Góc chuyên mônBài nổi bật

“Câu thần chú” dành cho Marketer khi gặp khó. Đó là…

(Tư duy giải quyết vấn đề dành cho Marketer)

Khó khăn là thứ chúng ta thường xuyên gặp trong công việc. Với những người làm mảng Marketing và PR, thì “khó khăn” lại càng thường trực hơn.

Vậy nhưng, mỗi khi gặp khó, có một “câu thần chú” giúp hóa giải mọi sự khó khăn. Bạn đã biết chưa?

*****

Khi làm Trưởng phòng PR cho một hãng ô tô, tôi may mắn làm việc trong một ê-kíp Marketing ăn ý, chuyên nghiệp. Giám đốc Marketing (CMO) khi đó kém tuổi tôi, nhưng đã trải qua những vai trò nổi bật trong ngành.

Đồng cấp với tôi có một bạn nữ, là trưởng phòng phụ trách nội dung social.

Ai cũng nhiều việc, làm “đầu tắt mặt tối” kín thời gian tại văn phòng. Nhưng bạn nữ trưởng phòng kia có một đặc điểm là thường hay than phiền – cũng dễ hiểu, vì lượng công việc là rất nhiều.

Tuy vậy, than phiền nhiều quá thì người xung quanh cũng cảm thấy mệt mỏi.

Cho đến một lần, ê-kíp quản lý chúng tôi họp triển khai một đầu việc quan trọng mới. Vừa họp xong, bạn nữ trưởng phòng nội dung social lại bắt đầu “thói quen” – than phiền. Bạn nói về những điều khó khăn khi nhận loạt nhiệm vụ mới.

Và rồi… CMO quay ra, nhìn thẳng vào bạn ấy, hỏi một câu duy nhất để ngăn đà than phiền lại: “OK! Vậy thì… giải pháp ở đây là gì?”.

Bạn nữ trưởng phòng khựng lại, tròn mắt. Ậm ừ. Dòng than phiền tự nhiên biến mất. Còn cá nhân tôi – khi quan sát tình huống ấy – thì cảm thấy vô cùng thú vị.

Đúng, cái bất cập, cái mệt mỏi, cái khó chịu… thì nhiều lắm. Nhưng, giải pháp ở đây là gì?

Tải eBook chia sẻ chuyên môn về kỹ năng viết lách, Content Marketing, PR, tư duy giải quyết vấn đề của Tác giả Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn

*****

Nếu chỉ nhìn vào một tình huống, thì có thể không thấy hết vai trò và ý nghĩa của câu hỏi “giải pháp” ở trên.

Nhưng khi nhìn vào tất thảy vấn đề – bao gồm những vấn đề mà Marketer thường hay gặp khó – thì rõ ràng, đó không đơn thuần là một câu hỏi nữa. Nó là một xu hướng tư duy – tư duy giải quyết vấn đề, thay vì thói quen than phiền và đổ lỗi.

Thử nghĩ xem, lần gần nhất mà chúng ta đổ lỗi hoặc than phiền là khi nào, vì chuyện gì? Nghĩ lại như vậy, rồi tự đặt câu hỏi cho chính mình: Với thứ đang than phiền/bị đổ lỗi ấy, thì giải pháp như thế nào?

Đó! Nhìn được vậy, thì mới thấy “Giải pháp ở đây là gì?” thực sự là một “câu thần chú” để sống tích cực hơn, năng lượng hơn, giải quyết công việc theo hướng chủ động hơn.

Tư duy giải quyết vấn đề
“Tư duy giải quyết vấn đề là hướng tư duy văn minh, khác hẳn kiểu tư duy đổ lỗi truyền thống”, giảng viên Nguyễn Trung Hiếu

*****

Một số người có thể phản biện tôi, rằng “than phiền”, “kể lể” cũng là… nghệ thuật, chứ không phải đơn giản là gây khó chịu.

Tôi đồng ý!

Khi hoạt động trong một tổ chức, nếu như đủ khéo léo và khôn ngoan, thì việc “than phiền”, “chia sẻ”, “kể lể” ở mức độ hợp lý có thể xem là một cách thức truyền thông nội bộ, nhằm thể hiện vai trò của bộ phận mình.

Bộ phận đã làm được những việc gì, còn vướng mắc ra sao (để nếu làm không đạt thì cũng dễ giải thích)… có thể được truyền tải qua “kỹ năng” nói trên. Nhưng… luôn cần mức độ hợp lý!

Nếu như lạm vào việc kể lể, than phiền, đổ lỗi… quá nhiều, thì đó lại trở thành nguồn năng lượng tiêu cực, kéo tụt hiệu quả của tổ chức, doanh nghiệp.

*****

Không chỉ ngăn chặn nguồn năng lượng tiêu cực, câu hỏi “Giải pháp ở đây là gì?” – thể hiện xu hướng tư duy giải quyết vấn đề – còn giúp thay thế kiểu tư duy đổ lỗi truyền thống.

Theo đó, hầu hết cách nhìn nhận/giải thích ở những sự kiện, chiến dịch, công việc… không như ý đều đi theo hướng đổ lỗi. Lỗi do người này người kia, lỗi do tình huống phát sinh không mong muốn…

Vì sao vậy? Vì đổ lỗi thì rất nhanh, và mang tới cảm giác “vô can” cho người liên quan. Nhưng thực sự, điều đó không có mấy tác dụng.

Thay vì đổ lỗi, thì nhìn nhận khách quan để rút kinh nghiệm, đi kèm tư duy giải quyết vấn đề sẽ ổn hơn rất nhiều: OK, mọi thứ không như ý, vậy thì… giải pháp ở đây là gì?

Nó sẽ bớt cảm giác nặng nề, lảng tránh và bị động đi rất nhiều!

*****

Tiêu cực là cảm giác gắn với những từ khóa “than phiền”, “đổ lỗi”, “kể lể”…

Còn tích cực là khi dù hoàn cảnh, kết quả có thế nào, thì chúng ta vẫn nghĩ đến con đường phía trước: OK, giải pháp ở đây là gì?

Với tôi, đó đích thực là một “câu thần chú”, để nhấc chân lên mà bước. Thậm chí, trong tất cả giải pháp không như ý muốn, thì vẫn luôn có một giải pháp “chấp nhận được” cơ mà, đúng không?

Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn ACADEMY & AGENCY

Hiển thị thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.