Nếu là người bán bảo hiểm, tôi sẽ làm điều tâm niệm: Hiểu & Yêu sản phẩm!
Topic về sự việc hãng bảo hiểm Manulife – bị tố “phán thay bác sĩ” để né tránh việc chi trả – đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.
(Sự việc cụ thể được đăng bên dưới cùng!)
Tôi đã tạo topic kế tiếp để mọi người tư duy logic sâu thêm: Nếu ở vai một người đang bán bảo hiểm, thì chúng ta sẽ giải quyết thế nào? “Buông” hay bước tiếp?
Đặt câu hỏi, thì phải trả lời, thế mới là sòng phẳng!
Quan điểm cá nhân của tôi như sau:
Nếu là một người bán bảo hiểm – đặc biệt khi ở trong hoàn cảnh “có liên quan” tới sự việc trên – tôi sẽ dấn thân vào cuộc với vai trò khách quan, trung lập, để đi tìm sự thật.
Liệu hãng bảo hiểm trả lời thế là sai hay đúng, gia đình kia tố cáo vậy là đúng hay sai – theo hợp đồng đã ký kết?
Cái quá trình đi tìm hiểu sự thật đó – lên hãng trao đổi, gặp gia đình tố cáo để ghi nhận – sẽ được tôi chia sẻ lên kênh truyền thông cá nhân của mình.
Bạn sẽ cười, nói rằng: Chơi gì dở vậy? Ông bán thì ông phải “bênh” công ty chứ?
Ồ, không đâu! Có những tình huống cần “bênh”, nhưng câu chuyện ở đây thì nó vượt qua giới hạn đó rồi!
Nếu công ty sai, khách hàng đúng (giả sử), thì chẳng lẽ tôi phải tự lấy tay chọc mù mắt mình để tiếp tục kiếm tiền sao? Sống trên đời này, chấp nhận “mù” để đi, thì tệ lắm!
Còn nếu khách hàng sai, công ty đúng, thì quá trình đi sâu tìm hiểu đó sẽ giúp tăng uy tín cho tôi (ở vai trò tư vấn viên) và công ty (đương nhiên).
Nếu công ty bảo hiểm đó gian dối, tôi đã có cơ sở để nói lời từ biệt họ, rồi chuyển sang một công ty bảo hiểm khác mà tôi tin là tử tế hơn! Nghĩa là tôi không bỏ nghề, tôi chỉ đổi “hãng” thôi.
Nói đến đây, tôi muốn chia sẻ thêm quan điểm với các bạn đang làm truyền thông, Marketing: Mình chỉ có thể làm tốt công việc, khi bản thân thực sự HIỂU – YÊU sản phẩm.
Một khi chưa hiểu rõ, hoặc đã hiểu mà không cảm thấy yêu, thì đừng mong làm truyền thông, Marketing tốt được. Tôi tin là, không phải ai trên cuộc đời này cũng có đủ độ xảo trá, xấu xa để thuyết phục người khác yêu một thứ mà bản thân họ không nuốt nổi.
Còn nếu vẫn làm được ư? Loại ấy chắc không nên ngồi chung mâm với tôi và các bạn trong Group này, hy vọng thế!
Nhân nói chuyện về HIỂU-YÊU sản phẩm, tôi thấy cần làm rõ thêm một chút về vai trò tư vấn viên bảo hiểm. Có rất nhiều người nói rằng: Khi xảy ra sự việc xung đột giữa khách hàng với hãng, do khách “không hiểu/hiểu nhầm” hợp đồng, thì lỗi là ở khách và tư vấn viên “không có tâm”.
Thực sự thì nói vậy là rất không thỏa đáng!
Bây giờ, mua bảo hiểm mà lại dựa cả vào tư vấn viên “có tâm” hay “không có tâm”, thì khác gì chơi xổ số?
(Tôi không nói tới những khách hàng thực sự minh triết, đầu tư thời gian và trí óc để tìm hiểu sâu về hợp đồng. Tôi chỉ nói về khách hàng “số đông”, đại chúng).
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, nền tảng pháp lý của chúng ta ở lĩnh vực bảo hiểm đang rất sơ hở! Và đương nhiên, đã có những hãng bán bảo hiểm khai thác cái sơ hở ấy. Từ đó mới sinh ra thực tế:
Hoặc tư vấn viên KÉM, không đáp ứng tiêu chí (cho nên KHÔNG HIỂU bản chất gói bảo hiểm, chỉ cốt bán để ăn %). Loại tư vấn viên này mà hãng bảo hiểm vẫn chứa chấp, tệ thật!
Hoặc tư vấn viên GIAN DỐI (không có tâm), họ biết nhưng họ cố tình “lòe” khách hàng. Khi xung đột nổ ra, họ có phải chịu trách nhiệm gì không? Không! Bảo sao, họ cứ “lòe” thật lực. Có vấn đề gì, thì hãng đổ hết cho tư vấn viên, và “tư vấn viên đó nghỉ việc rồi” là… hết chuyện.
Chính thực tế trên đã dẫn tới sự lệch lạc của thị trường bảo hiểm, làm ảnh hưởng tới những tư vấn viên chân chính (có tâm, có tầm ~ thực sự HIỂU, YÊU sản phẩm).
Cũng bởi thế, tôi nghĩ rằng, nếu bạn nào đang định vị đi theo con đường bán bảo hiểm – một cách chuyên tâm, thì nên phát triển bản thân theo hướng có tâm – có tầm.
Nói gì thì nói, một khi đã bán hàng, thì đừng bao giờ quên rằng, mình đang bán kèm cả uy tín cá nhân ở đó! Với món hàng bảo hiểm, thì cái sự bán kèm ấy lại càng gắn bó, nặng nề hơn.
Chừng nào bản thân chưa thể HIỂU, chưa thể YÊU sản phẩm, thì đừng cố bán!
Bởi vì uy tín cá nhân là thứ bán rất dễ, nhưng mua thì… khó, khó lắm!
Khó hơn cái cách hãng bảo hiểm chịu xuống tiền trả cho khách rất nhiều lần! Tôi thật.
Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn
* Tóm tắt diễn biến sự việc:
Diễn đàn Oto+ vừa được mở khóa thì đã có thành viên lên “bóc phốt” dịch vụ bảo hiểm Manulife.
Dưới đây là thông tin do bên tố cáo đưa ra, kèm với công văn hồi đáp của bên bị tố (khá khách quan rồi).
Giờ, nếu dựa trên tư duy logic, các bạn cho rằng bên bảo hiểm có “lèo” hay là không?
1. Nhân vật có nick name FB là Sting Rum (gọi tắt là SR) tố:
+ Đã mua bảo hiểm nhân thọ Manulife cho con trai.
+ Đầu tháng 2-2021, bé nhập viện điều trị chứng ho, sốt (theo chỉ định của bác sĩ).
Sau khi xuất viện, SR nộp đầy đủ giấy tờ sang bên Manulife để nhận quyền lợi chi trả.
+ SR nói rằng, bên bảo hiểm không giải quyết với lý do là bệnh đó thì điều trị ngoại trú được, không cần nằm viện.
2. Công văn của Manulife mà SR cung cấp, viết như sau:
“Với chẩn đoán bệnh như trên, theo thực hành y khoa, em X có thể điều trị ngoại trú, không cần thiết phải nhập viện điều trị”.
Từ đó, Manulife từ chối giải quyết việc chi trả.
=> Có ý kiến phản biện, “bênh” Manulife nói rằng, bệnh kia thì “không cần nằm viện. Nếu nặng thật thì phải chuyển lên tuyến trên chứ ai đi nằm mấy ngày ở cái trung tâm y tế đó”.
=> Cá nhân tôi dựa vào các chi tiết, thì thấy:
– Ý kiến phản biện trên là ngớ ngẩn.
– Công văn hồi đáp của Manulife không ổn. Bảo hiểm làm việc trên hợp đồng, điều khoản rõ ràng, chứ không thể vận dụng kiểu “theo thực hành y khoa”, chỉ định thay bác sĩ được – muốn nhập viện thì phải có sự chỉ định của bác sĩ.
Nếu họ nói, theo luật (ghi rõ ra) thì bệnh đó không nằm trong danh mục chi trả, thì lại là chuyện khác.
Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn