Có lần, một bạn inbox hỏi tôi trước khi quyết định đăng ký học khóa đào tạo Kỹ năng Viết chuyên nghiệp – Thực thi Content Marketing, PR của tôi.
Bạn hỏi: “Liệu sau khi học xong khóa này, em sẽ viết chuyên nghiệp được chứ?”
Ồ! Một câu hỏi cần phải trả lời cho rõ, kẻo không, bạn ấy và nhiều người khác sẽ mắc vào một sai lầm phổ biến.
Sai lầm ấy mang tên “Bỏ tiền để… ‘mua’ tri thức”!
*****
Trong thời buổi cạnh tranh “người khôn, của khó” này, ai cũng hiểu rằng, càng có kỹ năng chuyên môn cao, đa dạng, thì càng tốt.
Bởi vậy, các khóa đào tạo kỹ năng (viết lách, thuyết trình, công nghệ…) nở rộ.
Tuy nhiên, rất nhiều người đã hồ đồ mà tưởng rằng, “bỏ tiền ra học, xong là… làm chủ kỹ năng luôn”. Điều đó hoàn toàn sai lầm!
Việc đi học chỉ là cách thức giúp rút ngắn con đường tiếp cận tri thức mà thôi!
Thay vì phải tự tìm tòi, mày mò từng bước trong một bức tranh tổng thể – vốn không phải ai cũng nhìn ra, thì việc tham gia khóa đào tạo kỹ năng – với người hướng dẫn có kinh nghiệm “thực chiến” và khả năng sư phạm – sẽ giúp học viên tiết kiệm thời gian, công sức.
Thế nhưng, xin nhắc lại một lần nữa, đó chỉ là sự tiếp cận tri thức mà thôi!
Nếu học viên không dành thời gian luyện tập, thực hành, thì đương nhiên, tri thức vẫn là tri thức… của người dạy, học viên có thể biết, hiểu, nhưng chưa làm thành thạo được – nghĩa là chưa thể làm chủ kỹ năng mà họ vừa được đào tạo!
*****
Tôi thường chia sẻ với các học viên rằng, “tri thức là thứ không thể bổ đầu ra mà nhét vào được”. Muốn sở hữu tri thức, chẳng có cách nào khác là phải tự mình “chuyển” nó vào đầu qua việc rèn luyện.
Với kỹ năng viết lách, học viên sẽ phải luyện hằng ngày (viết status Facebook, comment, blog, website… tất cả đều là “viết”!).
Sau đó, nội dung cần được người có trình độ chuyên môn tốt đọc, góp ý, chỉnh sửa. Từ đó, học viên sẽ dần tiến bộ.
Nếu chỉ viết mà không có người nhận xét, sự tiến bộ sẽ đến chậm hơn.
Nếu không chịu viết, mà chỉ học xong, đọc xong rồi… bỏ đó, sự tiến bộ gần như không có.
Đó là chân lý không cần và cũng không thể bàn cãi được!
*****
Vậy nếu chúng ta tự học thì có được không? Được chứ!
Nhưng quá trình tự học chỉ hiệu quả khi chúng ta có trí tuệ tốt (đương nhiên), tính kỷ luật cao, có năng khiếu và đam mê thì càng tốt.
Tự học sẽ tốn thời gian hơn, vất vả hơn, nhưng đổi lại, những gì học được thì lập tức trở thành tri thức của mình.
Ngoài ra, một đặc điểm nữa cần lưu ý là: Với những kỹ năng mang tính chất kỹ thuật (như chạy ads, thiết kế web, sử dụng phần mềm…) thì quá trình thực hành, rèn luyện có thể ngắn hơn, so với các kỹ năng mang tính chất xã hội hoặc năng khiếu (viết lách, hát múa…).
*****
Vậy thì… bỏ tiền “mua” tri thức: Bao nhiêu là đủ?
Qua vài dòng chia sẻ, chắc mọi người đều thấy rằng, tiền không thể mua được tri thức, mà chỉ có thể “mua” (đặt trong ngoặc kép) – hiểu theo nghĩa đi học để rút ngắn con đường tiếp cận tri thức.
Nếu ý thức được câu chuyện đã nói ở trên, để rèn cho bản thân tính kỷ luật, chịu khó thực hành, luyện rèn, chúng ta có thể chỉ phải bỏ ra số tiền rất nhỏ cho việc “mua” tri thức.
Ngược lại, nếu cứ nghĩ rằng, tri thức là thứ mua được bằng tiền, trả tiền là sở hữu tri thức, kỹ năng, thì chắc chắn số tiền bỏ ra sẽ chẳng bao giờ là đủ cả!
Tác giả: Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn