Cảnh giác với những chiếc bẫy ‘đào tạo’: Nào dễ có ‘bữa trưa miễn phí’!
Câu chuyện này được tôi viết ra để chia sẻ với các bạn trẻ – những người tràn đầy nhiệt huyết, sự tự tin, kèm cả tính xốc nổi và thiếu kinh nghiệm, đương nhiên.
Chẳng là, khi nhìn thấy những nội dung tìm kiếm Content Writer/đặt hàng viết Content, với mức giá bèo bọt (cỡ 20k, 30k/Content 1k chữ chẳng hạn), tôi thấy có một sự lý giải khá phổ biến.
Đó là những người “thông cảm” cho nhà tuyển dụng thường nói rằng: Mức này thấp thật, đến sinh viên chưa ra trường cũng khó chấp nhận, nhưng mà đổi lại, các bạn sẽ được… đào tạo, học nghề (?!).
Ồ, nghe có vẻ hợp lý ghê?
Theo lời giải thích đó, thì tôi hiểu là: Nếu bạn trẻ nào nhận lời, bạn ấy sẽ có cơ hội được trải nghiệm công việc thực tế, cọ xát bản thân, rồi được “công ty” chỉnh sửa, biên tập, góp ý nội dung, đào tạo cho tiến bộ hơn.
Điều ấy có nghĩa là “thù lao” thực sự không chỉ là 20k, 30k, mà còn những khoản “vô hình” giá trị khác mà người trẻ được nhận.
Nhưng… thực tế thì có đúng thế thật không?
Để tôi nói với bạn một thực tế dễ hiểu hơn thế này: Nếu bạn từng hỏi một biên tập viên bất kỳ rằng, điều gì “kinh khủng” nhất mà họ phải đối mặt, thì câu trả lời luôn là việc biên tập cho những nội dung… lởm khởm, nghiệp dư, sai từ tư duy cho tới diễn đạt!
Muốn giữ lại nội dung gốc đầy lỗi, thì cái công chỉnh sửa, biên tập rất mất thời gian và đi kèm vô số ức chế! Nó mất thời gian hơn nhiều so với việc… viết lại nội dung mới hoàn toàn.
Phải! Đó là sự thật! Nghĩa là thà rằng người ta viết lại luôn thì còn nhanh hơn ngồi sửa, biên tập.
Bởi vậy, nếu nói rằng người trẻ thiếu kinh nghiệm (thậm chí còn chưa biết gì về viết lách) mà lại được nhận làm nội dung, với những lời hứa hẹn “đào tạo”, góp ý, thì tôi cho đa phần là… bánh vẽ.
Nào, không tin, bạn trẻ thử xem thứ nội dung gửi đi có được “biên tập”, chỉnh sửa, góp ý chi tiết thật không?
Đa số nội dung kém chất lượng (mà bị trả 20k, 30k cho cả bài dài) thì vẫn giữ nguyên, chẳng hề được “biên tập, góp ý” như tưởng tượng. Content kiểu đó thường bị dùng để tạo “kho nội dung” phục vụ mục đích SEO…
Đương nhiên, người viết “tay mơ” trong trường hợp kể trên sẽ chẳng hề học hỏi được gì. Thứ “giá trị vô hình” mà họ ngỡ được nhận, hóa ra chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Tóm lại, tôi nghĩ rằng, những ai cảm thấy mình “chưa biết gì” hoặc “trình độ của mình còn kém” thì cần rèn luyện, trau dồi để có một nền tảng tốt/tương đối tốt. Sau đó, khi các bạn nhận job thì đấy là câu chuyện sòng phẳng, phù hợp với trình độ chuyên môn của bản thân.
Còn nếu cứ đàm phán kiểu “vừa học vừa làm”, “em sẵn sàng làm không lương, miễn được chỉ bảo”, thì hãy cảnh giác!
Bởi vì “bữa trưa miễn phí” thì rất hiếm, trong khi những chiếc “bánh vẽ” lại… đầy nhan nhản!
Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn