Case VinFast và YouTuber GoGo TV (2): Sự hiểu lầm cơ bản về pháp luật!
Kỳ trước: Case VinFast và YouTuber GoGo TV (1): Một video thuyết phục!
Thời gian qua, sự việc YouTuber “bóc phốt” chiếc xe VinFast của anh ta và cú phản đòn của nhà sản xuất đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Phần trước đã bàn luận sự việc trên góc độ Content “logic – cảm xúc – thuyết phục”. Một số người đã bị sa đà vào việc bình luận diễn biến, đặc biệt khi thấy xuất hiện động thái “mời công an vào cuộc” của VinFast.
Từ sự sa đà trên, tôi thấy nhiều người dường như đang hiểu lầm – mà đáng tiếc là lại hiểu lầm về mặt pháp luật, vốn là thứ rất gần gũi với chúng ta trong cuộc sống, công việc. Do vậy, post này sẽ nói rõ hơn:
1. Khi bình luận sự việc, tôi nói rõ là không đưa quan điểm YouTuber hay VinFast đúng hoặc sai. Đơn giản vì chúng ta chỉ tiếp cận thông tin ở hình thức quá thụ động, không hề được “thọc sâu” để phân định cho chuẩn.
Do vậy, việc bàn luận chỉ phù hợp khi nhìn trên góc độ Content hoặc “truyền thông”, là những lĩnh vực chuyên môn của tôi.
2. Có một vấn đề dường như mọi người bị hiểu lầm nhiều, nên tôi – với kinh nghiệm từng làm việc ở mảng báo của cơ quan công an – sẽ phân tích cho mọi người thấy:
Khi VinFast đăng post phản hồi, nói rõ quan điểm của họ là sẽ “làm rõ đến cùng”, đưa sự việc ra cơ quan công an điều tra, thì nhiều người vội vã “kết luận”: Đã bảo mà, sẽ khởi tố điều tra, YouTuber sẽ phải đi tù…
=> Nhầm!
VinFast phản hồi thế nào, là quyền của họ và họ chịu trách nhiệm cho lời phản hồi đó. Nó bộc lộ quan điểm, thái độ của họ trong việc xử lý, và chúng ta nghe để biết. Vậy thôi!
VinFast không thay thế cơ quan công an điều tra, lại càng không thể thay thế tòa án để ra phán quyết bỏ tù một ai. Sòng phẳng là thế!
Tâm lý chung của nhiều người dân xứ ta là cứ nghe tới “công an vào cuộc”, “điều tra”, “khởi tố”… thì nghĩ ngay: Thôi rồi, cái bên bị tố cáo (ở đây là YouTuber) “tiêu” rồi!
Hoàn toàn không đúng!
Cơ quan công an vào cuộc theo đơn tố cáo là một chuyện cực kỳ bình thường. Nếu họ nhận thấy có đủ điều kiện để khởi tố, thì tiến hành khởi tố vụ án để điều tra.
Về mặt pháp lý, đó cũng là thủ tục hết sức quen thuộc của các bên công an, viện kiểm sát.
Chính vì nắm được đặc điểm tâm lý này của đại chúng, vừa qua, một sự việc tranh chấp giữa 2 doanh nghiệp đã bị một bên thổi lên báo chí, cũng với lý lẽ “đã khởi tố vụ án”, “công an vào cuộc rồi”, nhằm khiến dư luận nghĩ bên bị tố cáo “nguy rồi”.
Bản chất hoàn toàn không phải vậy – như đã giải thích ở trên!
Sau khi khởi tố xong, đến giai đoạn truy tố, rồi còn ra tòa. Tại tòa, các chứng cứ, rồi lý lẽ… sẽ được trưng ra, để mà tranh luận, rồi mới đến phán quyết cuối cùng.
Đọc tới đây, hẳn một số người sẽ “tỏ ra nguy hiểm”, cho rằng, “làm gì có công bằng ở tòa”. Nghĩ thế là sai! Vụ án này – nếu ra tòa – thì hoàn toàn không có yếu tố gì để mà “xử kín” cả! Nghĩa là đều công khai!
Khi mà dư luận quan tâm, người liên quan là YouTuber có lượng theo dõi lớn, thì khó có chuyện người cầm cân nảy mực bỏ qua những chứng cứ, lý lẽ… quan trọng.
Ra tòa rồi, chỉ còn cách phán quyết cuối cùng một bước chân, thì dù là kẻ hèn mọn ở đáy xã hội, họ cũng sẽ vùng lên mà “đấu tới cùng”. Cho nên đừng nghĩ “ai to ai nhỏ” sẽ có ảnh hưởng đáng kể tại phiên tòa.
Cá nhân tôi cho rằng, một khi đã phải kéo nhau ra tòa, thì đó là cách giải quyết sòng phẳng, đúng luật, cứ thế mà làm!
Riêng ý kiến ví von vụ này như vụ “con ruồi” của bên Tân Hiệp Phát, tôi cho rằng hoàn toàn không thỏa đáng. Vụ “con ruồi”, anh kia vào tù vì tội “cưỡng đoạt tài sản”, với những bằng chứng rất rõ về việc anh ta có ý định “đòi tiền” doanh nghiệp để đổi lấy sự im lặng về một sự việc bị cho là “lỗi sản phẩm”.
Còn ở vụ việc YouTuber, đã có bằng chứng nào là anh này muốn… “đòi tiền”? Ngay lúc này, những hành vi bị-cho-là-vi-phạm-pháp-luật của YouTuber mới dừng ở sự phỏng đoán, không ai nói chắc được.
Tóm lại, đây là một case đáng chú ý về mặt truyền thông – Content. Bởi vì với Content đó, mà YouTuber “bị khép lỗi” chẳng hạn, thì rõ là một case để mọi người lưu ý, rút kinh nghiệm.
Hy vọng qua post này, mọi người sẽ tiếp tục theo dõi một cách bình tĩnh, nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn Content – Truyền thông, thay vì “dìm” một trong hai bên một cách phiến diện!
Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn
Kỳ sau: Case VinFast và YouTuber GoGo TV (3): Khi Content có yếu tố “dẫn dắt”