Làm Marketing thì xin… ngừng “chém gió”!
(Content Marketing là con đường chân ái để tránh xa việc… “chém gió”!)
Hẳn nhiều người mới nghe cái tiêu đề thì sẽ nhảy dựng lên. Nhưng xin… đừng nóng vội, tôi có lý do để nói về điều này.
Ấy là lúc đi cố vấn cho doanh nghiệp, tôi đã nghe không ít chủ công ty bày tỏ rằng, họ “nghĩ Marketing là nghề chém gió”. Tại sao họ coi Marketing “xấu” thế?
“Vì người ta có 1, nói 2, đã là nhiều. Còn Marketer thì toàn có 1 nói 10 thôi”, câu trả lời dành cho điều băn khoăn của tôi thường là vậy.
Suy nghĩ đó có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng cũng không phải quá thiếu cơ sở. Cũng bởi vậy mà những Marketer làm thật, chân chất nhưng ít “nổ” thì có khi lại bị nhạt nhòa. Thật là trái khoáy!
*****
Có lần, trong quá trình tư vấn về việc đào tạo kỹ năng viết lách Content Marketing, tôi gặp một nữ giám đốc phụ trách Marketing cho doanh nghiệp chuyên bán những khoá học phát triển bản thân.
Trong cuộc nói chuyện, tôi bày tỏ việc phải xếp lịch lùi sau một chút, vì quãng trước đó, tôi bị bận. Đấy là do tôi đang cố vấn cho 2 doanh nghiệp cùng lúc.
Thấy vậy, chị bật cười, tư vấn ngược: “Có mỗi việc cố vấn cho 2 công ty mà bảo bận là không được rồi! Em phải push lên chứ! Làm sao cố vấn 5-10 công ty cùng lúc cũng được. Doanh số thì phải x10 lên nữa…”.
Nghe thế, tôi… toát mồ hôi, đến nỗi không dám nói rõ thêm: Sở dĩ tôi cố vấn cho 2 công ty cùng lúc, là vì chưa kịp rút. Chứ tôi đã có kế hoạch rút khỏi một bên sắp hoàn thành, để tập trung duy nhất vào một dự án.
Công việc này ngốn thời gian kinh khủng, chứ không thể “cưỡi ngựa xem hoa”, “nói lời hoa mỹ” được.
Bởi thế, tôi không tưởng tượng ra được việc cố vấn một lúc 5-10 công ty thì làm kiểu gì cho trách nhiệm, cho theo sát dự án để đo lường, phân tích, điều chỉnh…
(“Cố vấn” khác “tư vấn” ở chỗ phải song hành cùng dự án, bám sát, đánh giá điểm nhược để cải tiến, ghi nhận điểm ưu để phát huy, điều chỉnh thành “công thức”/quy trình riêng cho doanh nghiệp cụ thể).
Rồi tôi nhìn vào chính công ty “phập phồng”, chung chung, thiếu định hướng của chị, từ đó thì tự bản thân hiểu rằng, tất cả sự tự tin mà chị nêu ra đều là… “bánh vẽ Marketing” chính hiệu. Đương nhiên, tôi cũng đã từ chối song hành với dự án này.
Tải eBook chia sẻ chuyên môn về kỹ năng viết lách, Content Marketing, PR của Tác giả Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn
*****
Lại một lần khác, là khi tôi đang cố vấn cho một doanh nghiệp, và thực hiện việc phỏng vấn chuyên môn để tuyển dụng ứng viên vào đội ngũ Content Marketing in-house cho họ.
Tôi gặp một ứng viên trẻ rất tự tin, giới thiệu bạn là “leader” của team Marketing, chuyên duyệt kế hoạch nội dung, triển khai các “job digital”…
Tôi rất tôn trọng bạn, nhưng không có nghĩa là không hoài nghi, khi một người quá trẻ lại tự nhận có khả năng đảm nhiệm nhiều việc khó, thường đòi hỏi kinh nghiệm sâu như vậy.
Thế rồi tới lúc phỏng vấn và test chi tiết, tôi nhận ra rằng, chuyên môn duy nhất của bạn chỉ là… chạy ads Facebook. Trong khi đó, những chuyên môn cần thiết khác – dù là tối thiểu – thì bạn không hề hiểu gì cả, chẳng hạn về nội dung, về quy trình làm việc, lập kế hoạch…
Bạn hồn nhiên viết sai chính tả ở những từ phổ biến nhất, diễn đạt lủng củng, khó hiểu (thì sao có thể “duyệt nội dung”?), cũng không có bất kỳ kế hoạch nào cụ thể.
Rồi khi được đề nghị tạo lập một bản kế hoạch hành động, bạn về nhà làm nắn nót, rồi gửi cho tôi… lượng chữ ứng với khoảng 2/3 trang A4, trong đó vẽ ra toàn điều mong muốn, nhưng tuyệt nhiên không có phần quy trình thực thi như thế nào, giao đầu việc cho ai và cách đánh giá, nghiệm thu ra sao…
Tóm lại, tất cả chỉ dừng ở 2 thứ: “Mong muốn” chung chung và doanh nghiệp hãy bỏ tiền ra (xêm xêm cả tỉ đồng với những mong muốn đó – trong khi tình trạng hiện tại của công ty này là chi ra vài chục triệu đồng thì còn phải nghĩ).
Chung quy lại, tất cả đều là… bánh vẽ!
Học xong Kỹ năng Viết chuyên nghiệp Content Marketing, PR của Giảng viên Trung Hiếu, học viên nói gì?
*****
Có thể nói, chính những “chiếc bánh vẽ” kể trên khiến ngành Marketing, cũng như những người làm Marketing, đôi khi bị đánh đồng theo sắc thái tiêu cực: Những người thích “đốt tiền” và “chém gió”!
Ở chiều ngược lại, nói về người làm Marketing, tôi nhớ và ấn tượng với một nữ học viên: Trước đây, em làm phiên dịch viên ở một công ty với mức thu nhập khá cao. Song, em bén duyên Content Marketing, đi học, thể hiện là người có năng khiếu.
Học xong, em thành thật bày tỏ sự lo lắng: Liệu bây giờ, em đổi nghề thì có muộn không? Liệu em làm nổi không?…
Tôi chỉ biết động viên em, một nữ học viên Content Marketing không-chém-gió.
Sau đó, tôi hay tin là em đã ứng tuyển vị trí Content Writer và được lựa chọn. Điều rất vui ở chỗ: Công việc đó có mức trả 9-12 triệu đồng – nhờ sự chân thành và tích cực, em “deal” được mức cao nhất.
Tất nhiên, mức trả đó chỉ bằng phân nửa số tiền em từng kiếm được với công việc phiên dịch trước đây.
Nhưng vui hơn nữa, khi tôi nghe em nói: “Đó chưa phải là tất cả, em sẽ phấn đấu để phát triển xa hơn”.
Chỉ đơn giản thế thôi, nhưng tôi tin là em làm được.
Khi vào làm, em tạo ra sự đột phá với những nội dung tự sản xuất, tác nghiệp và khai thác thông tin chuyên môn, rồi tư duy, xử lý nó để viết chất, viết hay, chứ không xào xáo như cách làm cũ.
Rồi em tự tin phỏng vấn khách hàng, chuyên gia của doanh nghiệp, tạo ra những nội dung đa dạng: Bài viết, kịch bản video/sự kiện, nội dung fanpage…
Tất cả khiến em khác biệt với phần còn lại – nhờ hành động và có sản phẩm cụ thể, chứ không phải là “chém gió” khơi khơi với những điều mơ hồ.
Rồi đến một ngày, tôi lại được nghe tin vui mới: Em được đánh giá tốt, và chuyển sang làm trưởng phòng Marketing của một doanh nghiệp khác cùng ngành.
Em bày tỏ chút lo lắng, rằng liệu em có đảm đương tốt trên cương vị mới không.
Như lần trước, tôi lại động viên, chỉ vậy thôi là đủ.
Rồi tôi thấy nụ cười của em vẫn hiện ra đều đặn hằng ngày trên Facebook. Chắc chắn là em đang và sẽ làm tốt. Tôi tin như thế.
Đăng ký khóa đào tạo Kỹ năng Viết chuyên nghiệp Content Marketing, PR của Giảng viên Trung Hiếu tại đây!
*****
Để làm tốt bất kỳ công việc gì – không chỉ là Marketing – thì cũng cần sự tận tâm, cùng một tư duy mạch lạc và đương nhiên là chuyên môn tốt.
Rõ ràng, một khi doanh nghiệp không phải “đốt” tiền cho Marketing, mà là “đầu tư hiệu quả”, thì đó là lúc Marketer chẳng còn phải mang tiếng xấu… “chém gió” nữa!
Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn