Bài nổi bậtGóc chuyên môn
Đáng quan tâm

Góc sai lầm: Chưa viết lách, đã muốn… viết sách!

Dạo gần đây, chẳng hiểu sao, tôi thường có “duyên” chia sẻ về những điều sai lầm trong công việc viết lách, chủ yếu do những lời đặt hàng của các sự kiện.

Tất nhiên, chẳng có gì đáng tự hào trong việc chỉ ra sai lầm. Thay vào đó, tôi xem đấy là một sự chia sẻ, một sự đồng cảm, khi chính bản thân mình cũng từng mắc vào một số sai lầm như vậy khi còn trẻ.

Tôi hy vọng những gì viết ra sẽ giúp người trẻ đi theo con đường viết lách tránh được “ổ gà”, “ổ voi” mà rút ngắn thời gian phát triển bản thân.

Câu chuyện sai lầm hôm nay có tên là… “Chưa viết lách, đã muốn viết sách!”.

*****

Thoạt nghe, nhiều người sẽ tò mò: Ủa, chưa từng viết lách, tại sao lại đi viết sách?

Tôi cũng ngạc nhiên như vậy, khi nghe lời bày tỏ của không dưới 4 bạn trẻ thổ lộ riêng với tôi, khi họ biết tôi là người hay viết.

“Tại sao em lại muốn ra sách?”.

“Bởi vì… em tin rằng, những biến cố về tình cảm (về cuộc sống…) của em rất đặc biệt. Em muốn truyền cảm hứng/muốn coi đó là bước đà cho sự nghiệp…”.

Khoan đã!

Thoạt nghe, chúng ta có thể thấy đồng cảm. Nhưng nếu nhìn vào gốc rễ vấn đề, tôi thấy quá nhiều thứ bất ổn.

Điều kỳ lạ là có không ít người trẻ vẫn nghĩ, đấy là một chất liệu (có lợi) cho việc truyền thông của họ… Trong khi đó, tôi lại chỉ thấy 3 điều sai lầm lấp ló quanh ý định này.

*****

Thứ nhất, các bạn trẻ có thể đã trải qua những cú sốc, nỗi đau, cú vấp… trong cuộc sống. Và họ nghĩ, thế thật là ghê! Hẳn nhiều người chưa từng trải qua điều “ghê” như vậy, giờ viết ra thì chắc thu hút lắm.

Thực ra không hẳn vậy!

Là người làm báo, tôi đã gặp nhiều hoàn cảnh khủng khiếp, gặp những con người trải qua nỗi đau tột cùng mà thậm chí, khi đặt bút viết, tay mình còn cảm thấy run rẩy.

Nhưng tôi không nói về “mức độ” nỗi đau, mà quan trọng là “mục đích” truyền tải nỗi đau, cú vấp, cú sốc ấy, để làm gì?

Những ai sẽ quan tâm? Mọi người có thực sự muốn đọc không?

Đó mới là vấn đề!

Nghĩa là: Khi viết lách, chúng ta nên định vị “bắt đầu bằng điều mọi người quan tâm”, chứ không phải là “điều bản thân mình quan tâm”.

Một khi chưa tính toán, chưa chuẩn bị kế hoạch cho điều đó, thì “viết sách về cú sốc, nỗi đau…” của mình thật khó để truyền cảm hứng!

*****

Thứ hai, tôi luôn e ngại rằng, khi mang “vết sẹo” của bản thân ra để truyền thông, nếu họ không tính trước về khả năng bị “đóng đinh” vào sự việc đầy dấu ấn tiêu cực, thì đó là một bước đi thật rủi ro.

Đó là sự đánh đổi, chứ không phải là “được nhận”.

Chẳng hạn, một cô gái bị thất tình, suy nghĩ tiêu cực tới mức tự làm tổn thương bản thân. Sau khi được mọi người hỗ trợ, động viên, cô ấy vượt qua cú sốc, rồi nảy ý tưởng viết về giai đoạn khủng hoảng này, để chia sẻ/truyền cảm hứng cho mọi người.

Vậy là cô gái – giờ đã vượt qua nỗi đau – lại bị “chết danh” thành “đứa con gái hồ đồ/ngu dốt vì tình”, chứ không phải là “tác giả sách” hay một vai trò chuyên môn nào như cô ấy mong muốn.

Hoặc nếu cuốn sách ấy thành công, cô gái lại có xu hướng tiếp tục khai thác các góc cạnh của câu chuyện.  Nó khiến cô ấy cứ quanh quẩn mãi với chất liệu truyền thông này, mà không thoát ra được…

Tóm lại, thiếu đi sự tính toán, việc khai thác một “vết sẹo” để viết sách sẽ vô cùng bất lợi!

*****

Thứ ba, tôi thấy quá ái ngại, khi kỹ năng viết lách của họ mới ở mức trung bình, chưa thực chiến đến nơi đến chốn, mà giờ, họ lại nghĩ tới bước đi “quá sức” là viết một cuốn sách.

Đừng cho rằng, giờ có hẳn dịch vụ “chấp bút”, viết thay cho mình, thì có thể dễ dàng coi nhẹ. Một cuốn sách “tâm đắc, khai thác ký ức, nỗi đau…” thì không thể nào để người khác viết thay, trừ khi ta quá bận, tới nỗi chấp nhận… “thuê người đẻ hộ”!

Viết lách là câu chuyện vừa dễ, vừa khó. Dễ ở chỗ… ai cũng viết được, nhưng khó là viết làm sao cho hay, cho dễ hiểu, đụng chạm cảm xúc, thuyết phục và đạt mục đích của mình.

Bởi vậy, một khi chưa từng viết lách (một cách có ý thức), chưa tính toán, chưa có bệ phóng, thì thật khó để nói về sự thành công như những bạn trẻ ấy mong muốn.

*****

Vậy, liệu có phép màu nào xảy ra cho những người chưa từng viết lách, mà lại viết sách thành công hay không? Lịch sử trả lời là “Có!”.

Đó là trường hợp của Henri Charrière – tác giả cuốn hồi ký “Người tù khổ sai” (Papillon).

Trải qua một hành trình tù tội (vì bị kết án oan), tìm mọi cách vượt ngục, thất bại cả chục lần mà không nản chí, cuối cùng, Charrière tự tìm được tự do cho bản thân.

Tới một lần, khi lang thang trên phố, ông dừng chân trước một hiệu sách và tò mò với cuốn hồi ký của một bạn nhỏ sống sót qua trận động đất. Đó là một cuốn sách bán chạy.

Đọc một mạch từ đầu tới cuối, Charrière nhận ra rằng, nếu “chỉ có vậy” mà đã bán chạy, thì hành trình gian truân của cuộc đời ông hẳn là sẽ “bán được gấp vài lần”. Charrière bắt tay vào viết, “Người tù khổ sai” ra đời và thành công rực rỡ.

*****

Tất nhiên, tôi kể câu chuyện của Henri Charrière và “Người tù khổ sai” không phải là để động viên những người trẻ “chưa từng viết lách, đã muốn viết sách”.

Tôi kể, chỉ vì muốn bài chia sẻ này đa chiều mà thôi.

Nếu bạn cho rằng, cuộc đời mình đủ gian truân như Henri Charrière với “Người tù khổ sai”, vậy thì bạn có thể “viết sách” ngay khi chưa từng viết lách. Bằng không…

Tóm lại, một khi đã nghĩ tới chuyện viết sách, thì cần xác định rõ rằng, sách phải mang lại giá trị cụ thể nào đó, cho một tệp độc giả nhất định, chứ không phải chỉ là kể nhật ký cuộc đời mình.

Nếu được lựa chọn, tôi sẽ không chọn “viết sách” để làm bệ phóng, mà thay vào đó, là viết lách rèn ngòi bút, tạo thương hiệu, ấn tượng cộng đồng. Từ bệ phóng này, ta viết sách thì sẽ hiệu quả hơn.

Suy cho cùng, cứ mỗi khi đặt bút, dù viết thứ to tát như một cuốn sách, hay viết điều nhỏ bé như bài chia sẻ này, thì điều quan trọng nhất vẫn là nhắm tới mục đích chung: Mang lại giá trị cho mọi người!

Một khi không có giá trị, thì “cuốn sách” cũng chỉ là một tập giấy chứa đống ký tự lộn xộn mà thôi.

Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn

Hiển thị thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.