Báo chí, Facebook & Content Marketing (2): Áp dụng kỹ năng báo chí vào content, muôn phần lợi hại!
Kỳ trước: Báo chí, Facebook & Content Marketing (1): “Tôi đã không thèm đọc báo nữa, kể từ khi có Facebook…”
Ở phần trước, tôi đã lý giải tại sao nghề báo trở nên “mất trend”, và nhiều người làm báo đổi nghề khác.
Cũng ở phần trước, tôi đã chỉ cho bạn thấy, dù mất trend, nghề báo không thể “chết” – bởi nếu điều này xảy ra, chính các bạn mới là người phải lo lắng, chứ không phải một người làm báo như tôi.
Nhưng thôi, giờ không phải là lúc nói tới điều đó nữa…
Dù cho nghề báo mất trend, thì kỹ năng của nghề này lại đặc biệt phù hợp với truyền thông – trong đó, phải kể tới mảng content hoặc quan hệ công chúng. Bởi có nghề nào gắn bó nhiều nhất với những “gu đọc” của xã hội như nghề báo?
Không chỉ dừng ở con chữ, những người làm báo “có nghề” còn sở hữu một thứ năng khiếu rất quý báu, đó là khả năng đánh giá/cảm nhận được những cảm xúc của người tiếp nhận content, nên nhà báo có thể truyền tải content hiệu quả thông qua cả hình ảnh, quote, video…
Nên nhớ rằng, content do những người “có nghề” này thực hiện mới thực chất là content gốc, có ích cho cộng đồng, chứ không phải là kiểu content “xào xáo”, copy-paste cho “chuẩn SEO” mà giới SEOer, Content SEOer hay thổi phồng.
Nói cách khác, content gốc chất lượng là content thu hút được sự quan tâm một cách tự nhiên, thu hút người đọc bằng các yếu tố hấp dẫn, thú vị, giàu cảm xúc, hài hước hoặc sâu sắc, dễ hiểu và dễ thuyết phục.
Bởi thế, khi không còn làm báo nữa, đa số nhà báo chuyển sang lĩnh vực truyền thông và phát huy được thứ kỹ năng và năng khiếu đặc thù kể trên trong mảng content hoặc quan hệ công chúng.
Gần đây, các bạn đã nghe thông tin về một số YouTuber làm những trò nhảm, rồi bị xử phạt. Chẳng hạn, con trai “bà Tân Vlog” làm video thả gà nguyên lông vào nồi cháo, hoặc video trộm tiền trong heo đất của em, hay video của một YouTuber thể hiện cảnh thả dao từ trên tầng xuống dưới đất, hoặc đun sôi… nước tiểu của chính mình rồi uống…
Đừng bao biện rằng, những trò lố bịch, nhảm nhí đó “câu được nhiều view” nên các YouTuber nhắm mắt, bất chấp mà làm! Vì hình phạt bằng tiền mà các bạn thấy chỉ là bề nổi. Hơn ai hết, khi đặt bút ký vào biên bản vi phạm, các YouTuber đó hiểu rõ sự bất lợi khi kênh của họ “vào tầm ngắm”…
Vậy tại sao sau những trò lố bịch phải trả giá, các YouTuber không chừa?
Do họ luôn chịu sức ép của việc phải có nội dung đều đặn hằng ngày (YouTube, Facebook, Google… hay bất kỳ mạng xã hội/công cụ đánh giá nào đều đề cao việc kênh content có nội dung thường xuyên). Nhưng họ lại… không có kỹ năng sáng tạo đề tài để áp dụng vào content!
Từ đó, các “content-maker” này rơi vào tình trạng bị bí đề tài, thiếu ý tưởng, làm liều, rồi thành làm nhảm, nhạt…
Trong khi đó, kỹ năng sáng tạo đề tài nói trên lại là thứ buộc phải có của một nhà báo thạo nghề!
Bởi thế, khi đã xác định làm một hệ nội dung (gồm các kênh khác nhau như YouTube, fanpage Facebook, website…), với mục tiêu content có chiều sâu, có ích và thu hút cộng đồng, lại cập nhật đều đặn, thì người làm kênh buộc phải áp dụng kỹ năng báo chí!
Chắc lúc này, các bạn đã hiểu tại sao tôi viết 2 bài chia sẻ về đề tài “Báo chí, Facebook & Content Marketing”. Báo chí có thể là nghề “mất trend”, nhưng những kỹ năng của nghề này thì cực kỳ cần thiết đối với nghề content – nhất là khi “Content is King” (*) đang ngày càng được chú trọng, trong hoàn cảnh kênh bán hàng qua Facebook phát triển.
Giờ thì bạn có 2 lựa chọn: Đi làm báo để có kỹ năng, rồi về áp dụng vào content truyền thông; Hoặc… đi học khóa content của tôi, để tiết kiệm thời gian mà vẫn hiệu quả!
Tất nhiên, không có lựa chọn thứ 3 đâu! Kiểu: Không đi học, cũng chẳng đi làm báo, mà vẫn muốn viết content chuyên nghiệp, “đều và có ích cho cộng đồng”.
Nguyễn Trung Hiếu
(*) Câu nói nổi tiếng của tỉ phú Bill Gates, để cho thấy tầm quan trọng của content đối với doanh nghiệp, truyền thông…