Bài nổi bậtGóc chuyên môn

Tự rèn viết lách/đọc tài liệu online thì có tiến bộ?

Hôm rồi, tôi tình cờ đọc một post như sau: Một bạn đăng lên group Facebook hỏi rằng, có khóa học online hay tài liệu nào giúp nâng trình độ viết Content hay không. Bên dưới, rất nhiều bạn trẻ khác đã vào chia sẻ link tài liệu online, kèm với “lời khuyên” rằng, đi học làm gì, tốn tiền, trên mạng có tất cả rồi…

Vấn đề là, những tài liệu nói trên, hoặc những khóa học online, đều đã tồn tại trên internet từ lâu rồi, vậy những người khai thác tài nguyên đó đã… lên trình hay chưa?

Tôi dám cá 99% câu trả lời là “CHƯA!”. Tại sao vậy?

Tự rèn viết lách, đọc tài liệu online… chỉ có hiệu quả thực sự khi người tiếp nhận đã có nền tảng tốt. Họ biết tổng thể: Họ cần gì? Tìm hiểu lĩnh vực/yếu tố đó để phục vụ mục đích gì? Sẽ tìm hiểu trên những đầu mục nào…

Từ đó, khi đọc tài liệu online, họ sẽ thu được cái họ cần.

Nôm na, câu chuyện trên giống như một người đang tìm đường vậy: Họ đã định hướng tương đối được điểm cần tới, song chưa xác định chi tiết lộ trình. Họ hỏi đường, và nhanh chóng tìm đến đích.

Ngược lại, những ai chưa có nền tảng tốt, thiếu chuyên nghiệp, thì chẳng khác nào người ngơ ngác giữa ngã tư đường, không biết di chuyển theo hướng nào, chẳng phân biệt được lời chỉ dẫn đường đi là đúng hay sai, có bị đi vòng hay không, hoặc thậm chí, đường đó có phù hợp với phương tiện (bản thân) mình hay không…

Những người ở hoàn cảnh trên – rất nhiều nhé – có thể tham gia vô số khóa học online, đọc hàng đống tài liệu, nhưng càng tiếp nhận, họ càng trở nên “tẩu hỏa nhập ma”, khác nào nhận 4 lời chỉ đường đi 4 lộ trình khác nhau, lòng vòng/loanh quanh mãi mà không tới được đích.

Nói riêng về nghề viết Content, nhiều người gật đầu như chim gõ kiến, nhưng sau đó, hỏi xem đã mổ trúng con kiến nào chưa, thì họ lại… lắc đầu.

Nào là “viết phải súc tích, có mục đích rõ ràng, hấp dẫn, lôi cuốn, hành văn phải chuyên nghiệp, trình bày phải bắt mắt”…

Nhưng thế nào là súc tích, thế nào là mục đích rõ ràng, lấy lòng/thu hút độc giả bằng cách nào, hành văn chuyên nghiệp ra sao… thì các tài liệu lại không chỉ rõ. Đương nhiên rồi! Vì học trực tiếp mà còn phải “bơi” ra mà thực hành, đọc mấy nội dung đó thì làm sao tiến bộ (khi chưa có nền tảng)?

Viết lách là một nghề đòi hỏi năng khiếu, nghĩa là ai có năng khiếu thì sẽ tiếp thu, hiểu vấn đề rồi áp dụng rất nhanh. Và ngược lại!

Những người mà không có năng khiếu, hoặc năng khiếu “mon men”, thì phải nỗ lực rất nhiều, và càng không thể đặt niềm tin vào “4 lời chỉ đường theo 4 hướng khác nhau” được.

Học nghề viết Content, nghĩa là phải tiếp xúc với phương pháp rèn luyện đúng đắn. Sau đó, người học phải chịu khó thực hành, phải viết ra để bộc lộ hết nhược điểm ngòi bút của bản thân. Những sản phẩm viết lỗi đó, cần được một người có trình độ đọc, chỉ ra lỗi sai, phân tích chi tiết.

Mỗi người có một kiểu thiếu sót khác nhau, do vậy, chỉ khi được giảng giải về những “điểm mù nhận thức” của bản thân, người học kỹ năng viết lách Content mới có thể tiến bộ được.

Những tài liệu online về viết lách Content – hoặc kể cả những khóa học offline được quảng cáo rầm rộ – mà không tạo điều kiện cho học viên viết ra con chữ của chính họ, rồi người dạy không đọc, không sửa những con chữ đó cho chuyên nghiệp hơn, thì dù nói trời nói biển thế nào, học viên vẫn giậm chân tại chỗ mà thôi.

Hoặc là họ tiến lên được nửa bước, khi chặng đường trước mặt còn cả chục, trăm bước khác.

Bởi thế, nếu thực sự xác định sẽ đi theo nghề viết lách Content đúng nghĩa (Content Writer), tôi tin rằng, trước khi đặt niềm tin vào các tài liệu online, rèn luyện viết lách hằng ngày, các bạn cần xây dựng nền tảng gốc cho bản thân trước.

Nền tảng đó chính là nguyên lý của kỹ năng báo chí và văn chương!

Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn

Hiển thị thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.