AI (như ChatGPT) có viết nổi Content Storytelling đúng chất hay không?
Sau khi chia sẻ bài viết “Content Storytelling là gì mà được coi là “vũ khí” đầy sức mạnh???”, tôi đã nhận được nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ, cũng như hỏi han thêm về kỹ năng nội dung này.
Trong số đó, có một ý kiến rất đáng chú ý. Đó là ý kiến của một anh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Anh gửi một nội dung và hỏi rằng, liệu đó có phải là Storytelling hay không?
Dưới đây là nội dung đó:
“ÔNG GIÀ THÔNG THÁI
Một ông già tên là Khakhukho sống ở thành phố lớn. Ông luôn mơ ước có một ngôi nhà ở vùng ngoại ô yên bình. Một ngày, ông quyết định bán một trong số những căn hộ của mình để đầu tư vào một mảnh đất ở vùng ven.
Ông Khakhukho về ở đó với một tinh thần thoải mái và an yên. Ông tự tay xây một căn nhà nhỏ và trồng rau. Thời gian trôi qua, một con đường lớn đi ngang khu đất ấy khiến giá trị tăng cao và ông bắt đầu phân ra một vài mảnh nhỏ để bán lại cho những người có nhu cầu.
Kết quả, ông đã có một ngôi nhà tuyệt vời ở ngoại ô và thêm một vài căn hộ cho thuê đáng giá ở thành phố. Ông hài lòng với quyết định đầu tư của mình và sống hạnh phúc trong bình yên”.
Đọc xong nội dung trên, có ai cảm thấy nó có gì đó… sai sai không?
Với tôi, chắc chắn đó không phải là Content Storytelling, dù nội dung đã cố gắng “làm ra vẻ” Storytelling (mà không tới).
*****
Tại sao nội dung trên không phải là Storytelling?
Trước tiên, cần nhìn vào bản chất của Content Storytelling!
Đó là cách thức làm Content theo kiểu “kể chuyện”, dẫn dắt mọi người một cách hấp dẫn, thú vị vào câu chuyện. Trong câu chuyện này, cần có nhân vật/tình huống/chi tiết cụ thể, gần gũi, rồi từ đó đan lồng khéo léo mục đích (thông điệp) vào.
Bởi thế, trở lại nội dung được hỏi kể trên, có thể thấy rất nhiều thứ… “phi Storytelling”.
Hai điều cơ bản đầu tiên của Storytelling là: Ai kể? Câu chuyện nhằm mục đích gì?
Ở đây, vai trò người kể bị mờ, trong khi mục đích cũng chưa rõ ràng (dù rằng khi sử dụng tư duy Marketing thì sẽ hiểu, đây là yêu cầu cho AI làm Storytelling để nói về sự chuyển biến đầu tư bất động sản vùng ven – tất nhiên là thứ “Storytelling chưa tới”).
Và quan trọng nhất, nội dung đó hoàn toàn không có chất cảm xúc, gần gũi, cụ thể của Storytelling!
Nếu thay ông Khakhukho bằng… bà “Khekhukhi” nào đó thì cũng chẳng sai.
Ông này sống ở chỗ nào cũng không rõ (thành phố lớn ở đâu vậy?…), rồi các diễn biến như tự xây nhà, trồng rau, có con đường chạy qua, tăng giá, phân lô bán nền… được kể một cách máy móc và vô cảm (không gần gũi, cảm xúc), nên không tạo ra sự hấp dẫn.
Chưa kể, ngoài việc không đạt các yếu tố cảm xúc, gần gũi của Storytelling, nội dung trên còn vô lý ở việc đưa ra câu chuyện bên “trời Tây” nào đó (“Khakhukho” thì chắc chắn không phải tên tiếng Việt rồi).
Thị trường bất động sản của các nước đâu có giống nhau?
Hay như tên nhân vật còn khiến người ta liên tưởng tới sự “khù khờ” – vậy, lối tư duy mua bất động sản của ông “Khakhukho” đó đâu phải hình mẫu để tham khảo?…
Ngoài ra, một yếu tố khó nữa của Storytelling là nút thắt (cao trào) để tạo ra sự tò mò, thu hút, thì nội dung kể trên lại càng không có!
Tải eBook chia sẻ chuyên môn về kỹ năng viết lách, Content Marketing, PR, Content Storytelling của Tác giả Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn
*****
Đọc nội dung kể trên, tôi cho rằng, đó là sản phẩm của AI (ChatGPT…).
Vậy, ở thời điểm này, dù AI đã rất phát triển và hỗ trợ tốt cho công việc Content, thì liệu các ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra Content Storytelling đúng chất hay chưa?
Tôi khẳng định là chưa!
Tại sao? Muốn làm Storytelling, một trong những yếu tố quan trọng là cảm xúc và sự gần gũi (con người). Đó là thứ mà AI (dù đã và đang rất phát triển) vẫn chưa làm được.
Liệu AI có thể làm được phần cảm xúc này không? Tương lai thì có thể là có, nhưng đi kèm với đó là những tiềm ẩn đầy rủi ro.
Bởi khi AI có cảm xúc, sự gần gũi, tóm lại là sở hữu năng lực cảm xúc như một con người, thì sẽ rất khó kiểm soát – đây chính là điều mà giới chuyên gia AI đã cảnh báo.
*****
Một khi dùng AI cho việc làm Content, nghĩa là chúng ta đã ứng dụng giải pháp công nghệ và… “công nghiệp”. Trong khi đó, Content Storytelling lại là thứ nội dung đậm tính con người, gần gũi và cảm xúc.
Vậy nên… xin đừng kỳ vọng một thứ “công nghiệp hàng loạt” có thể tạo ra sản phẩm như “hàng thủ công”, vốn luôn được làm đầy tỉ mẩn, chỉn chu bởi bàn tay và khối óc con người!
Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn ACADEMY & AGENCY