Góc chuyên mônBài nổi bật

Content Storytelling là gì mà được coi là “vũ khí” đầy sức mạnh???

“Content Storytelling rất lợi hại, đầy sức mạnh”.

“Thời nay mà không biết đến Content Storytelling thì đừng nói là làm Content!”.

Rồi thì… “Storytelling tức là phải có nhân vật anh hùng, kẻ phản diện thế này, thế kia…”.

Nghe ghê gớm không? Quá ghê gớm ấy chứ!

Khổ nỗi, bản chất sức mạnh của Content Storytelling lại nằm ở sự gần gũi, cảm xúc và sẻ chia, chứ tuyệt đối không “hổ báo, vĩ mô, sáo rỗng” như những lời quảng cáo, tâng bốc về loại nội dung này.

Và… khổ thay, những người quảng cáo hoặc tâng bốc Content Storytelling lại chẳng mấy khi tạo ra thứ nội dung kể chuyện đúng chất. Vì nếu đúng chất thật, họ đã chẳng quảng cáo, tâng bốc như thế!

*****

Còn nhớ, trong lần khảo sát thị trường đào tạo Content để tự đánh giá bài giảng của mình, tôi đã bị… bất ngờ. Bất ngờ vì 2 lẽ!

Lẽ thứ nhất, có rất nhiều bài chia sẻ về Content Storytelling trên các website, hội nhóm Content… Thế nhưng, đa số nội dung đó lại là dịch từ nguồn nước ngoài.

Tuyệt nhiên không thấy một nội dung minh họa “mẫu” nào để phân tích, để mường tượng cho nó rõ ràng cả.

Lẽ thứ hai, tìm mãi, tôi cũng gặp được một nội dung chia sẻ chuyên môn về Content Storytelling, đi kèm ví dụ minh họa.

Và sự bất ngờ của tôi nhanh chóng hóa thành sự thất vọng, bởi nội dung “Storytelling” mẫu đó hoàn toàn là một bài quảng cáo và không có bất kỳ dấu hiệu Storytelling nào cả!

Tải eBook chia sẻ chuyên môn về kỹ năng viết lách, Content Storytelling, Content Marketing, PR của Tác giả Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn

Thực tế đó khiến cho không ít học viên của tôi băn khoăn. Họ nói rằng, trước khi đi học thì họ đã đọc khá nhiều nguồn, nhưng bị hoang mang, không hiểu thực sự Content Storytelling là gì và làm như thế nào.

*****

Vậy, Content Storytelling là gì?

Đó là cách thức làm Content theo kiểu “kể chuyện”, dẫn dắt mọi người một cách hấp dẫn, thú vị vào câu chuyện. Trong câu chuyện này, cần có nhân vật/tình huống/chi tiết cụ thể, gần gũi, rồi từ đó đan lồng khéo léo mục đích (thông điệp) vào.

Sở dĩ nó hấp dẫn, vì một khi làm Storytelling đúng chất thì người đọc/người nghe/người xem sẽ không đoán trước được “điều gì tiếp theo”. Họ bị lôi cuốn một cách tự nhiên vào nội dung.

Bởi vậy, điểm cốt tử của Storytelling chính là: Không được chung chung!

Không thể nói khơi khơi và chung chung, kiểu: “Bạn thế này, bạn thế kia, hãy…”, mà cần câu chuyện để dẫn dắt.

Kỹ năng quan trọng để làm Content Storytelling và phục vụ Marketing chính là kỹ năng văn chương (dẫn dắt cảm xúc, lôi cuốn), kết hợp với kỹ năng Marketing.

*****

Trong khuôn khổ một bài chia sẻ chuyên môn, không có nhiều “đất” để đưa vào nội dung Storytelling hoàn chỉnh, cũng như phân tích chi tiết.

Tuy vậy, tôi vẫn chia sẻ 2 nội dung (trích đoạn) được viết về cùng một chủ đề, để người đọc dễ so sánh và cảm nhận.

Giả sử có yêu cầu rằng, hãy viết một Content Storytelling để đan lồng khéo léo dịch vụ tư vấn li hôn của văn phòng luật sư, thì Content Writer “chung chung” sẽ viết như sau (đương nhiên là không đúng chất Storytelling):

“Bạn đang cảm thấy không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân hiện tại?

Bạn muốn được giải thoát, muốn tìm kiếm một cuộc sống mới bớt áp lực từ phía người bạn đời kém cảm thông và thấu hiểu?

Hãy…”.

Nội dung trên có gì sai không? Không, nếu đó là một nội dung quảng cáo.

Nhưng sẽ là “Có sai”, nếu yêu cầu là viết Content Storytelling.

Sự khác biệt ở đây chính là nội dung quảng cáo (trực diện vào sản phẩm/dịch vụ) thì thường bị đọc lướt, thường không hấp dẫn, thường bị người xem giữ phản xạ phòng thủ là “không tin”.

Trong khi đó, Content Storytelling đúng chất thì sẽ dễ đọc, lôi cuốn, hấp dẫn và tạo ra sự nhận thức (về thương hiệu/sản phẩm/dịch vụ) một cách tự nhiên đối với người xem.

Một ví dụ nhỏ về Storytelling theo đề bài trên như sau:

“Hãy li hôn, để được sống như… một con người!

Chị đấm cả hai bàn tay xuống mặt bàn gỗ, thùm thụp, liên hồi. Vừa đấm, chị vừa khóc nấc thành tiếng, đau đớn và tức tưởi. Cái mặt bàn gỗ trong văn phòng luật của tôi cứ lặng thinh chịu trận trước những cú đấm uất ức ấy.

Đôi mắt chị vằn vệt đỏ – cái vằn vệt chất chứa bao trận đòn dã man và vô lý của “người thương” – là gã chồng chị. Người đàn ông đó dường như kết tinh đầy đủ sự tệ hại, khốn nạn và vô lối trên cõi đời này.

Anh ta cặp bồ, rồi bị vợ bắt gặp…”

(Câu chuyện tiếp tục được dẫn dắt và đan lồng thông tin về dịch vụ tư vấn li hôn, theo lời kể của vị luật sư đại diện).

Sự khác biệt là gì?

Đó là Storytelling thì có nhân vật/tình huống/chi tiết cụ thể, gần gũi để dẫn dắt. Người xem không đoán trước được điều gì, nên có xu hướng tò mò, đi theo…

*****

Kỹ năng làm Content Storytelling không chỉ áp dụng trong việc viết ra nội dung text “kể chuyện”. Kỹ năng này giúp làm tốt cả video (viết kịch bản, đặc biệt là kịch bản clip viral), thuyết trình…

Sở dĩ Storytelling “đa năng” như vậy vì bản chất tư duy nội dung kiểu này giúp tránh sự sáo rỗng và có khả năng thu hút tự nhiên.

Vậy, học kỹ năng làm Content Storytelling có khó không?

Chắc chắn là không hề dễ dàng!

Kỹ năng đó tương đương 2 buổi lí thuyết (bao gồm cả việc đọc ví dụ mẫu và phân tích chi tiết), trong khóa đào tạo Kỹ năng Viết chuyên nghiệp Content Marketing và PR của tôi.

Song đương nhiên, 2 buổi là chưa đủ. Sau đó, học viên còn phải rèn luyện, với sự hỗ trợ từ trang học liệu trực tuyến…

Content Storytelling là gì
“Storytelling cần nhất là sự gần gũi, cảm xúc, với khả năng dẫn dắt tự nhiên và hấp dẫn”, giảng viên Content Marketing, PR Nguyễn Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn ACADEMY

*****

Với tôi, Content Storytelling luôn là một trong những loại nội dung ưa thích nhất. Vì tôi thích sự gần gũi, cảm xúc, tự nhiên và có ý tưởng sáng tạo.

Không chỉ tôi, những Content Writer có bút lực dồi dào mà tôi biết, hầu hết đều có khả năng làm Content Storytelling cự phách.

Một thể loại Content giàu sức mạnh truyền đạt như thế, có lí gì mà chúng ta lại không yêu?

Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn ACADEMY & AGENCY

Hiển thị thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.