Báo chí, Facebook & Content Marketing (1): “Tôi đã không thèm đọc báo nữa, kể từ khi có Facebook…”
Chắc nhiều người đã đọc được quan điểm kể trên, hoặc thậm chí, chính các bạn đã nghĩ thế. Ừ, “kể từ khi có Facebook, tôi đã không thèm đọc báo nữa!”.
Xem ra, càng ngày, nghề báo càng trở nên bị mất giá (chứ tôi không nói “bị coi thường/rẻ rúng” – vì phạm vi của bài viết này không đề cập tới những kẻ mượn danh nghề báo để làm tiền bẩn thỉu. Chúng là nguyên nhân khiến nghề báo bị coi thường).
Vốn là người yêu nghề báo, tôi đã dành thời gian nghiên cứu khoa học xã hội, tìm hiểu xem tại sao một nghề được cho là sở hữu “quyền lực thứ tư” như báo chí, mà lại trở nên “mất trend”, mất giá như vậy.
Hẳn ai đó sẽ lập tức tự tin mà giải thích với tôi rằng, đó là do các loại hình thông tin khác phát triển và thay thế báo chí, kiểu như mạng xã hội Facebook “nhanh hơn”, “trung thực hơn”, “đa chiều hơn”… Do vậy, người ta thích đọc Facebook hơn là báo chí…
Vâng, câu trả lời trên đã bộc lộ thứ tư duy “chả hiểu gì về báo chí”, về truyền thông xã hội cả!
“Chả hiểu” thể hiện qua ví dụ này: Hai giờ sáng, khi tất cả đang say giấc, không có bất kỳ chiếc smartphone rảnh việc nào sẵn sàng giơ lên, thì có một vụ việc xảy ra. Chẳng hạn: Hỏa hoạn, bắt cóc con tin, sự cố gây nguy hiểm…
Tòa soạn nhận tin, phóng viên sẽ lập tức được cử đến hiện trường ghi nhận. Đó là nhiệm vụ! Còn các “nhà báo toàn dân” khi ấy ở đâu? Có ai nhiệt tình lột chăn, mặc đồ rồi lao tới hiện trường ghi nhận không? Chắc chắn là rất rất hiếm, vì họ làm thế để được cái gì? Còn nhà báo thì phải làm – vì đó là công việc, trách nhiệm của họ, và nhà báo cũng muốn làm – vì nó là thứ đam mê chảy trong huyết quản của họ.
Nếu ví dụ trên chưa đủ thuyết phục, chưa khiến những cái đầu mang nặng tư duy “trọng Facebook” hiểu, thì tôi sẽ giải thích thêm.
Làm báo có đơn giản không? Chắc chắn là không, nếu nói tới trình độ làm báo “có nghề”! Làm báo không phải là cứ giơ dọc chiếc smartphone lên để live-stream, rồi hùng hổ mô tả một cách chủ quan những gì hiện ra trước mắt.
Báo chí là một nghề, có ngành đào tạo riêng, cho nên kiểu tư duy “nhà báo toàn dân”, “ai cũng có thể làm báo” thực sự ngớ ngẩn!
Mọi người – bao gồm những người dùng Facebook – có thể ghi nhận được những dữ liệu đắt giá ở hiện trường, bắt trọn khoảnh khắc quý báu.
NHƯNG đó chỉ là dữ liệu thô! Để đưa nó tới độc giả thì cần kỹ năng, cần sự trình bày chuẩn mực, cần cả quá trình tác nghiệp đào sâu (với yêu cầu về sự khách quan, đa chiều).
Chúng ta đi ăn phở, vào hàng phở là muốn chủ quán bưng bát phở nóng, thơm nức ra, đặt trước mặt. Chúng ta chỉ việc cầm đũa với thìa xúc ăn thôi! Chứ có ai muốn cái cảnh chủ quán bưng ra nào thì bó hành, nắm bánh phở, miếng thịt bò sống, rồi bảo chúng ta “ăn đi”? Đấy! Câu chuyện dữ liệu thô với sản phẩm báo chí hoàn chỉnh, nó chính là thế đó! Tự nấu chỗ nguyên liệu đó mà không đúng cách, thì nó không ra phở đâu, có khi thành món lẩu thập cẩm nào đó!
Bên cạnh đó, những người nói rằng “đọc Facebook là đủ, không cần đến báo chí” thì còn ngớ ngẩn ở chỗ: Họ không hiểu rằng, Facebook không phải là tòa soạn, và các nội dung mà người dùng Facebook đưa lên thì có thể không phải là tin tức thể hiện được sự vận động của xã hội.
Nay tôi buồn, tôi đăng status thê thảm. Mai tôi vui, tôi biên status nở hoa. Những content đó chẳng thể giúp bạn biết tranh chấp Armenia – Azerbaijian xảy ra thế nào, ai đang chiếm ưu thế trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống Mỹ (và nó sẽ ảnh hưởng tới giá dầu, tới giá nhu yếu phẩm thế nào), vì sao Rap Việt được yêu thích như thế…
Vâng, Facebook không tự sản xuất tin tức, không tạo ra thông tin chất lượng được! Lý do: Xem phần “có nghề” ở trên! Tự Facebook hiểu điều đó, nên họ mới tìm cách liên kết với các tòa soạn, nơi nắm giữ bản quyền tác phẩm, và họ cũng hiểu tại sao một số chính phủ bắt họ phải chia sẻ doanh thu quảng cáo với các tòa soạn báo…
Trong khi Facebook thừa hiểu giá trị của content gốc, của tin tức/thông tin chất lượng, thì có những người lại chẳng hiểu, thế mới buồn cười!
Nói “Có Facebook, khỏi cần báo”, thì khác gì bảo “chỉ cần Google, chả cần trang web nào nữa”. Chỉ mỗi Google mà không có các website, các thông tin chất liệu trên internet, thì Google… cái gì?
Ngoài ra, nói tới báo chí thì không thể không nhắc tới đặc trưng cơ bản nhất của loại hình truyền thông này, là sự khách quan. Đặc tính “khách quan” khiến báo chí trở nên đặc biệt, riêng biệt trong thế giới truyền thông.
Giả sử một ngày nào đó, báo chí “chết”, chỉ còn Facebook và các kênh thông tin không-phải-là-báo-chí, thì sẽ thế nào? Bạn vẫn hài lòng khi đọc những thông tin “dữ liệu thô” trên Facebook, do các “nhà báo toàn dân” cung cấp chứ? Hay đọc những thông tin có vẻ chuyên nghiệp do các công ty truyền thông đứng sau, với mục đích “tẩy não” độc giả, và hướng tới các đích có lợi cho họ? (Như bán sản phẩm có tính năng “thần thánh”, ủng hộ cho một người nào đó dùng tiền chạy chiến dịch truyền thông…).
Vâng, bởi vậy nên không phải tự nhiên mà sinh ra quan điểm: “Báo chí chính là thước đo sự tiến bộ của xã hội”. Một khi cái “thước đo” ấy bị… gẫy, thì chúng ta tự biết xã hội phát triển đến mức “tiến bộ” nào rồi!
Đến đây, những người còn “ngoan cố” sẽ đặt câu hỏi ngược với tôi: Vậy “ông” bảo báo chí quan trọng thế, mà sao báo chí giờ “mất trend”, “mất giá”?
À đấy, đây chính là vấn đề đã đề cập phía trên kia, giờ tôi làm rõ tiếp nhé!
Thứ hạ giá nghề báo – buồn thay – lại chính là sự tính toán sai lầm của những người làm báo, khi chuyển đổi từ hình thức báo giấy truyền thống sang báo điện tử. Những con số doanh thu quảng cáo ban đầu khiến họ choáng ngợp, làm họ tin rằng, từng ấy là thoải mái sống rồi, và thế là tất cả thi nhau cạnh tranh câu kéo độc giả, rồi tự hạ giá sản phẩm của mình xuống mức… 0 đồng.
Vâng, đọc báo điện tử, có ai phải trả phí không?
Trước đây, dù chỉ bỏ ra vài nghìn đồng mua một tờ báo giấy, nhưng khi ấy, nguyên lý thị trường của báo chí được đảm bảo: Sản phẩm (tờ báo) tạo ra, được “khách hàng” trả tiền mua. Sòng phẳng và… sống tốt!
Đến giờ, nguyên lý thị trường bị bóp méo, “khách hàng” không trả tiền đọc báo nữa (dù vẫn đọc/vẫn lấy thông tin, trong đó, có cả lấy thông tin dẫn lại miễn phí trên Facebook đấy!). Thế thì các báo lấy nguồn thu ở đâu? Từ các kênh quảng cáo… tức là từ quỹ tiền quảng cáo của doanh nghiệp, mà quỹ ấy có phải chiếc túi không đáy đâu?
Sự bóp méo nguyên lý thị trường cứ thế tiếp diễn: Báo chí thì phải khách quan, phục vụ xã hội, độc giả nói chung, trong khi “khách hàng” là xã hội, độc giả lại chẳng trả tiền cho báo chí. Doanh nghiệp đặt hàng quảng cáo, thì đương nhiên, họ có tiếng nói đối với báo chí, và đó là lúc sự khách quan sẽ bị ảnh hưởng…
Một ngành nghề phải vận động theo một nguyên lý không thuận tự nhiên, thì ắt dẫn tới khó khăn, mất giá, mất trend thôi! Cái sự mất trend này thể hiện ở chỗ: Bỏ ra cùng một công sức lao động, đầu tư cùng một trí tuệ, sử dụng cùng một trình độ kỹ năng, nhưng nghề “thuận trend” thì sẽ có thu nhập cao gấp đôi, gấp ba… gấp nhiều lần nghề “mất trend”.
Bảo sao, giới trẻ giờ học báo xong, toàn ù té chạy. Người làm báo, thì cũng nhiều người xắn quần chạy nốt.
Giờ thì sao?
Giờ thì nếu tôi là độc giả, tôi sẽ ủng hộ việc thu phí đọc báo, để báo chí hoạt động đúng nguyên tắc thị trường, đảm bảo đúng đặc điểm “khách quan” vốn có, và để báo chí đồng hành với sự tiến bộ, phát triển của xã hội.
Tiếng là bỏ tiền để đọc báo, nhưng nếu hiểu bản chất báo chí, với sự khách quan, phục vụ xã hội như đề cập ở trên, thì độc giả sẽ thấy: Thực chất “tiền mua báo/đọc báo” chính là chi phí để “mua” sự khách quan. Ai cũng muốn thông tin khách quan, mà lại để cho “người khác” (doanh nghiệp) trả tiền, thì đến bao giờ mới khá được?
(Khi nguyên lý tự nhiên nói trên được vận hành, thì tờ báo nào không khách quan, không phục vụ lợi ích xã hội thì sẽ tự bị diệt vong!).
Còn nếu tôi là người làm báo, thì tôi biên ra mấy dòng này để mọi người hiểu và chia sẻ.
Đặc biệt hơn, khi là người làm báo, tôi sẽ kể cho các bạn làm truyền thông nghe, một câu chuyện cực kỳ lợi hại!
Đó là bạn làm truyền thông, bạn có thể chẳng cần quan tâm đến báo chí. Nhưng nếu bạn biết cách áp dụng kỹ năng báo chí vào truyền thông, cụ thể là viết content, thì bạn sẽ có hệ thống content ưu việt hàng đầu! Bởi nghề báo chính là “nghề content” lâu đời nhất đấy!
Nguyễn Trung Hiếu
(còn nữa)
Kỳ sau:
Báo chí, Facebook & Content Marketing (2): Áp dụng kỹ năng báo chí vào content, bội phần lợi hại!