Bài nổi bậtGóc chuyên môn
Đáng quan tâm

Nhận thông báo “Bạn đã chết!”, chúng ta cảm thấy… thế nào?

Đừng quá ngạc nhiên!

Tôi vừa nhận được thông báo này xong. Tôi tin rằng, không ít người cũng đã nhận thông báo như thế, hoặc kiểu như thế. Tại sao vậy?

Chuyện là thế này…

Thời giãn cách, tôi làm việc tại nhà. Công việc rất nhiều (vì tôi dạy các khóa Content Marketing gối nhau liên tục), nên tôi phải tìm cách thư giãn cho bản thân. Không làm gì, hoặc làm rất nhiều, trong cảnh quanh quẩn giữa 4 bức tường thì đều có thể khiến chúng ta phát nản.

Bởi thế, dù rất không thích chơi game, tôi vẫn cố cài vào tablet một trò “kinh điển” là Mario. Thi thoảng giải trí cho thoải mái.

Và… mỗi khi bị thua (nhân vật game chạm vào vật cản, ngã xuống sông…), thì game (Việt hóa 100%) lại hiện thông báo to đùng trên màn hình: “Bạn đã chết!”. Kèm với đó là nút chơi lại.

Giờ thì các bạn đã hiểu hoàn cảnh của câu thông báo này rồi chứ?

Nếu các bạn bảo, “xời, có gì đâu, chuyện nhỏ tí”, thì… xin lỗi, bạn đã nhầm! Có thể nó chỉ là một câu thông báo trong một cái game Việt hóa kiểu “word by word”, thì ở góc độ người làm Content, chúng ta nên suy nghĩ.

Bạn cảm thấy thế nào, khi vừa thua ván game, tâm trạng tiếc nuối/hơi bực… mà lại nhận cái thông báo “Bạn đã chết!”?

Tôi không thấy vui, đương nhiên.

Thậm chí, tôi thấy thông báo đó diễn tả thật kém duyên.

Cái sự kém duyên này chuyển biến sang thành khó xử, khi tôi chứng kiến đứa con (5 tuổi) nhà anh hàng xóm cũng chơi trò này, rồi hỏi bố nó: “Người ta viết gì đây hả bố?”.

Bố nó gãi đầu, bảo: “Người ta viết là đánh lại đi!”. Vậy đấy!

Nếu đó không phải là “Bạn đã chết!”, mà là… “Tiếc quá! Bạn thử lại nhé!”, hoặc “Không sao! Làm lại nào!”, hay “Thử thêm lần nữa!” thì có phải dễ nghe, hợp lý hơn bao nhiêu không?

Đó, các bạn thấy đấy! Câu chuyện ở đây đơn giản là một lời nói, cũng là một Content cực kỳ tiểu tiết, nhưng tác động của nó thì không nhỏ, bởi đó là sự tinh tế, nhạy cảm trong cuộc sống hằng ngày.

*****

Lại nói chuyện tương tự, tôi rất nhớ cây ATM của một ngân hàng ở giữa phố Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội).

Tại sao trong vô số cây ATM khác nhau mà tôi đã rút tiền, thì một cây ATM rất-bình-thường đó lại khiến tôi… nhớ?

Là bởi trong một lần tình cờ ghé vào rút tiền trước đây, tôi bất ngờ khi thấy dòng thông báo hiện ra trên cây ATM đó. Nó không giống như những thông báo quen mắt mà tôi thường thấy.

Thông báo của cây ATM đó viết: “Xin cảm ơn quý khách vì đã cho chúng tôi cơ hội được phục vụ!”.

Thật sự bất ngờ!

Đó không phải là những thông báo quen thuộc kiểu “Xin cảm ơn!”, “Hẹn gặp lại!”, mà là một câu viết đủ dài để tạo ra sự khác biệt, và đủ thú vị để gây ấn tượng.

Đương nhiên, ấn tượng đó khiến tôi có có cái nhìn tích cực hẳn về thương hiệu ngân hàng ấy, dù trước đây, tôi chưa để ý nhiều. Tất nhiên, cũng xin nói thêm rằng, quá trình rút tiền tại đó rất thuận lợi, nhanh chóng và dễ dàng.

Có thể nói, câu thông báo gây ấn tượng kể trên là một điều đáng khen, khi những người “làm Content” đã ý thức về công việc của mình từ những chi tiết nhỏ nhất như vậy.

*****

Trước đây, tôi có một bài viết đã được cộng đồng Content Writer yêu mến, tên là “Sai lầm phổ biến nhất của người viết Content: Đặt bút là… “vẽ voi”!“.

Bài viết đó chỉ ra vai trò quan trọng của lối viết khai thác sự việc gần gũi, cụ thể, dễ hình dung trong cuộc sống hằng ngày.

Còn bài viết này tựa như phần kế tiếp vậy!

Nghĩa là không chỉ khai thác sự việc gần gũi, mà muốn đạt tới sự thành công, Content Writer còn phải ý thức và rèn luyện ngòi bút để làm chỉn chu từng chi tiết.

Nên nhớ rằng, mỗi chi tiết sẽ đều góp phần thể hiện sự tinh tế, nhạy cảm của nội dung – mà cái thứ tinh tế, nhạy cảm ấy chính là yếu tố “đỉnh kout” không thể thiếu, một khi người viết muốn thuyết phục, muốn đụng chạm vào cảm xúc của độc giả.

Ngẫm ra, cái nghề viết lách Content này hay thật, mà cũng khó thật, phải không mọi người?

Tác giả: Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn

Hiển thị thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.