Bài nổi bậtGóc chuyên môn
Đáng quan tâm

Nỗi khổ của cả chủ doanh nghiệp và Content Writer có tên… “tùy hứng”

Chủ doanh nghiệp (DN) và nhân viên (Content Writer) thì làm sao mà lại… khổ giống nhau được nhỉ? Ấy vậy mà có đấy, họ cùng chịu đựng một nỗi khổ chung mang tên là “tùy hứng”, bạn tin không?

*****

Một hôm, có học viên giãi bày với tôi rằng: “Thầy ơi, em chán việc quá!”.

Hỏi lý do tại sao, em bảo không phải vì mức thu nhập – bởi công việc ấy được trả như mặt bằng chung, mà vấn đề nằm ở chỗ “bản thân em cảm thấy không phát triển được gì”.

“Công ty em chẳng có kế hoạch gì cụ thể để làm Content Marketing. Leader của nhóm xuất thân từ nghề biên kịch. Hằng ngày, anh ấy xem có trend gì thú vị thì bảo bọn em viết theo…”, em bày tỏ.

Vì cái sự tùy hứng như thế mà Content Writer làm việc song chẳng biết chất lượng nội dung như thế nào, vai trò của họ đối với công ty ra sao, hiệu quả công việc được đánh giá kiểu gì (vì không có KPI cụ thể).

Tất cả điều đó khiến nhân viên chán nản, trong khi chủ doanh nghiệp thì lo sốt vó khi mọi thứ đều quá mông lung!

*****

Nhiều bạn trẻ hiểu lầm rằng, cứ công ty nào có doanh thu “ổn ổn”, với bộ máy nhân sự “có vẻ” đầy đủ, thì tức là họ sở hữu đội ngũ làm Content Marketing chuyên nghiệp.

Thực tế không phải vậy, bởi khi cố vấn cho doanh nghiệp, tôi chứng kiến không ít công ty có doanh thu tốt (nhờ nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau), song họ vẫn có thể vận hành đội ngũ làm Content Marketing theo kiểu “vô kế hoạch”, tùy hứng, thuần Outbound (chỉ tập trung vào quảng cáo)…

Chẳng hạn, ở một doanh nghiệp dược khá lớn, tư duy nhân sự cho đội ngũ làm Content Marketing khá… kỳ quặc: Họ tuyển toàn dược sĩ vào làm nội dung và Marketing.

Sự tréo ngoe ấy nhanh chóng dẫn tới hậu quả: Dược sĩ không có kỹ năng chuyên môn viết lách hay Marketing, nên họ cảm thấy rất khổ sở khi làm công việc Content.

Đã vậy, doanh nghiệp lại không có kế hoạch hành động tường minh, thành ra cả đội ngũ cứ “làm trong mù mờ”, chẳng biết hay – dở ra sao. Vậy là những cuộc họp cứ diễn ra triền miên trong sự dằn vặt lẫn nhau, rồi mọi thứ thay đổi xoành xoạch…

Trong khi đó, thực tế thì đội ngũ trên chỉ cần 1-2 dược sĩ cố vấn chuyên môn, còn lại là việc của Content Writer, Marketer, với một bản kế hoạch đủ tốt để vận hành trơn tru.

Hay một trường hợp khác tương tự, là doanh nghiệp chuyên về thực phẩm nhập khẩu. Công ty này đã đầu tư cho đội ngũ làm Content Marketing với lượng nhân sự lên tới 12 người.

Dù đội ngũ “khủng” như vậy (so với các DN cỡ nhỏ), nhưng họ lại bị phân tán, không có kế hoạch nhất quán, dẫn đến việc có nhóm chỉ quan tâm làm web, nhóm khác lại chỉ khai thác kênh social, không phối hợp gì với nhau.

Các nhóm đó nằm trong đội ngũ trên danh nghĩa, còn thực tế là việc ai nấy làm. Kết quả ra sao, ai cũng biết, vì đông mà hóa thưa, lủng củng, va chạm…

*****

Qua 2 trường hợp nói trên, các bạn sẽ thấy: Khi cỗ máy Content Marketing bị vận hành “tùy hứng” như vậy, chủ DN đương nhiên chẳng vui vẻ gì. Bởi họ đã phải “đốt tiền” mà không thu được hiệu quả như mong đợi.

Đây chính là nỗi khổ có tên “tùy hứng” mà nhiều chủ DN vừa và nhỏ ở Việt Nam đang phải chịu đựng, loay hoay tìm lối ra mà không biết bắt đầu từ đâu. Nỗi khổ này bắt nguồn từ việc DN không có kế hoạch Content Marketing tốt, không xây dựng được đội ngũ tinh nhuệ, thiện chiến, khiến mọi thứ rối như tơ vò.

*****

Chủ DN khổ vậy đã đành, nhưng “tùy hứng”, “vô kế hoạch” còn là nỗi khổ chung của chính nhân sự làm Content Marketing!

Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên: Làm gì có chuyện nhân viên cũng khổ như… chủ DN? Bởi chúng ta thường nghĩ rằng, đây là 2 thành phần có nỗi sướng – khổ khác nhau.

Thực tế là có đấy!

Một khi làm việc tùy hứng, không có kế hoạch, nhân viên luôn rơi vào trạng thái “hỗn loạn thứ tự công việc”, “bị gí deadline tới tấp”, lúc nào cũng cảm thấy ngộp thở, quay cuồng và bất hạnh vì “quá nhiều việc”.

Tôi đã gặp không ít người trẻ làm việc theo kiểu: Lẽ phải hoàn thành 5 đầu việc, cần lên kế hoạch (thời gian, các bước) để thực thi 5 đầu việc đó, thì các bạn lại nghĩ “Ôi xời! Cứ làm lần lượt từ 1 đến 5, từ từ là khoai sẽ nhừ, việc đến đâu, hay đến đó…”.

Rồi khi làm tới việc thứ 2, họ bị cuốn vào việc này, khiến quỹ thời gian thu hẹp lại. Sang việc thứ 3 thì sắp hết giờ, thế là hỗn loạn, vội vã, cuống quýt, nhớ nhớ quên quên…

*****

Tóm lại, cách làm việc “tùy hứng”, vô kế hoạch là kẻ thù của hiệu suất, hiệu quả.

Đây cũng là nỗi khổ chung của cả chủ DN và nhân viên, nhưng không phải ai cũng có đủ ý thức và sự kiên trì để “chữa trị” nó. Có lẽ điều khó hiểu nhất là chúng ta biết khổ mà lại không chịu thay đổi.

Thôi nào, đọc đến đây, xin đừng ai viện lý do rằng, bản thân không biết thay đổi từ đâu. Mọi thứ bắt đầu đơn giản thôi: Hãy đặt mục tiêu cho công việc trước mắt, rồi ngồi xuống, lấy giấy bút ra vạch các bước để thực hiện mục tiêu đó.

Đấy, kế hoạch – thứ “thuốc” trị nỗi khổ “tùy hứng” – từ đấy mà ra, chứ còn đâu nữa, phỏng ạ?

Tác giả: Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn

Hiển thị thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.