Bài nổi bậtGóc chuyên môn
Đáng quan tâm

Phóng sự: Thứ tuyệt kỹ để kể câu chuyện thương hiệu doanh nghiệp

Hầu hết mọi người đều cảm thấy quen thuộc khi nghe tới 2 chữ “Phóng sự”. Đó là một thể loại báo chí thú vị.

Nhưng nếu bảo rằng, áp dụng “Phóng sự” vào truyền thông doanh nghiệp, để tạo ra nội dung phục vụ Content Marketing, Content PR, kể câu chuyện thương hiệu… thì không nhiều người biết.

Làm sao có thể dùng “Phóng sự” cho doanh nghiệp được nhỉ?

Nếu như bạn đang băn khoăn như thế, thì thật đáng tiếc, bởi vì bạn cần biết rằng, thể loại đó chính là thứ tuyệt kỹ làm nội dung mà những doanh nghiệp lớn đang sử dụng rất thành thục và hiệu quả!

*****

Vậy, “Phóng sự” là gì?

Đây là thể loại đặc biệt, kết hợp giữa “văn” và “báo”. Đặc trưng của thể loại này là người viết có thể xưng “tôi” trong tác phẩm, dùng nhiều tính từ giàu hình ảnh và có nhiều chi tiết đặc tả.

Trong đó, bài phóng sự phải có hình tượng nhân vật, còn ký sự (tương tự) thì kể về hành trình/quá trình hòa mình vào của người viết (chuyến công tác, trải nghiệm…).

Phóng sự là thể loại khó, đòi hỏi người viết phải có khả năng về văn học, cảm nhận tinh tế, nhạy cảm, lại kết hợp với tính thời sự, khoa học, thông tin của báo chí.

Khó, nên đương nhiên thể loại này… có “võ”!

“Võ” ở đây là những con chữ dễ đụng chạm vào cảm xúc của độc giả, khiến người ta đọc bài dài mà vẫn “dễ nuốt”, cộng thêm tính xác thực của chất “báo”, nên “Phóng sự” chính là thể loại vừa có cảm xúc, vừa dễ thuyết phục.

Nhờ đặc điểm kể trên, “Phóng sự” sẽ giúp tạo ra sự cảm tình đối với nhân vật (đại diện thương hiệu), sản phẩm/dịch vụ… được nhắc tới trong bài.

Đó là lý do nhiều doanh nghiệp lớn – với chuyên môn sâu về truyền thông, Content Marketing, PR, Thương hiệu – sử dụng “Phóng sự” để kể những câu chuyện của họ: Chuyện tâm sự của khách hàng, chuyện của nhà sáng lập/lãnh đạo, chuyện về những nhân viên đặc biệt, chuyện kể những tình huống ấn tượng mà họ ghi nhận trong quá trình kinh doanh…

Phiên bản rút gọn (ngắn hơn) của bài phóng sự sẽ được triển khai lên hệ thống fanpage Facebook, qua đó, tiếp tục khai thác đặc điểm “cảm xúc” (dễ đọc) và “thuyết phục” (có chi tiết thông tin hợp lý).

*****

Khi đọc bài viết ở đâu đó, bạn có thể bắt gặp những dòng chữ kiểu như:

Chàng trai nghèo đạp chiếc xe cọc cạch đi bỏ mối cà phê ở thị trấn miền núi, với ước mơ mang hạt cà phê Việt ra khắp năm châu…“.

Hoặc:

“Ông ngồi trầm ngâm, đặt ánh mắt vào khoảng không vô định phía trước. Cả khuôn mặt ông như đóng băng, cứng ngăng ngắc, chỉ duy có đôi lông mày rậm là nhíu lại, trong cảnh bóng tối ôm trùm khắp cơ thể.

Đó là lúc ông suy nghĩ dữ dội nhất, để tìm ra lời đáp cho câu hỏi: Chấp nhận liều lĩnh, vay thêm tiền để đánh cú chốt, giữ lại doanh nghiệp, hay buông xuôi tất cả với khoản ra giá thâu tóm của đối thủ?

Sau một tiếng ngồi đóng băng như chết ấy, đôi lông mày dần dãn ra, ông tự nở một nụ cười nhẹ như lời động viên cho chính mình: Đã cố đến nước này rồi, thì còn gì mà phải sợ? Đó là thời điểm quyết định bước chuyển mình mang tới sự khác biệt cho công ty…“.

Đấy chính là lối viết phóng sự, để kể câu chuyện gắn với thương hiệu, sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp.

*****

Như đã đề cập, bài phóng sự là thể loại nội dung khó.

Người viết cần khai thác được câu chuyện hay, những chi tiết đắt giá, thú vị, rồi truyền tải tất cả bằng lối kể cảm xúc, lôi cuốn, giàu hình ảnh.

Những điều đó được gọi là “tuyệt kỹ” làm nội dung, mà những doanh nghiệp lớn đã, đang và sẽ sử dụng cho các kênh truyền thông của họ.

Khi nói về Content Marketing, PR, Thương hiệu, người ta thường nhấn mạnh “sự khác biệt” trong việc tạo nội dung thu hút và ấn tượng. Đương nhiên, “tuyệt kỹ” phóng sự chính là thứ góp phần tạo nên “sự khác biệt” đó.

Vậy, là một Content Writer, bạn thử xem ngòi bút của mình có thể viết phóng sự hay ho chưa?

Tác giả: Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn

Hiển thị thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.