Góc chuyên môn
Đáng quan tâm

Tại sao tôi không chia sẻ câu chuyện fake “bác sĩ Khoa”?

Là người thường xuyên theo dõi tài khoản Facebook của nhà báo Nguyễn Đức Hiển (Phó TBT Báo Pháp luật TP.HCM), tôi đã tiếp cận gần như sớm nhất với thông tin “bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ, nhường cho sản phụ, rồi sau đó, anh lại tự tay đỡ đẻ cặp song sinh cho sản phụ đó”.

Tại sao tiếp cận sớm, mà tôi lại không chia sẻ câu chuyện đầy cảm xúc như vậy?

Đương nhiên, không phải là vì tôi “vỗ ngực” như mấy vị “chém gió sau khi đã có kết quả”, rằng “đọc là thấy ngay phi logic, đọc là thấy ngay cái sự fake news”…

Tôi không chia sẻ, đơn giản bởi ở vai trò một người làm truyền thông, tôi cảm thấy gờn gợn với yếu tố sắc thái mà câu chuyện đem tới. Sắc thái ấy là gì vậy?

Một người con rút ống thở của đấng sinh thành, để nhường cho người được cho là cần thiết hơn (sản phụ mang song thai) (?!).

Dù cho đó là câu chuyện có thật đi chăng nữa, thì tôi thấy ngay một sự dùng dằng, tranh cãi trong tâm trạng và cảm xúc: Hy sinh mạng sống của người thân để cứu người khác, thì… có hiểu được không? Không, khó hiểu lắm!

Do vậy, kể cả khi tiếp cận câu chuyện từ sớm và thậm chí đã nghĩ là nó có thật (vì tôi tin nguồn phát là một nhà báo uy tín), thì tôi cũng có quan điểm không chia sẻ.

Một sắc thái dùng dằng, gờn gợn và tranh cãi như thế, thì rõ ràng không nên nâng câu chuyện lên. Nó sẽ làm khổ người trong cuộc, cũng như đẩy mọi người vào những cuộc tranh luận bất phân hồi kết…

Thế rồi sau nửa ngày, chúng ta đều biết đó là câu chuyện không đúng sự thật.

Vậy, sau sự việc này, tôi có nên tiếp tục theo dõi Facebook của nhà báo Đức Hiển nữa không? Chắc chắn có.

Bởi tôi tin rằng, sự việc đó là một tai nạn – thứ tai nạn “fake news” mà bất kỳ ai cũng có thể mắc vào, chẳng người nào đủ tự tin mà vỗ ngực “ta không bao giờ vướng phải”!

Là người viết cảm xúc, anh Hiển đã tự thừa nhận việc bản thân để cảm xúc lấn át, và mắc sai lầm (đăng tải câu chuyện mà thiếu sự kiểm chứng).

Vậy là đủ!

Tôi vẫn theo dõi Facebook của anh Hiển, vì qua đó, tôi được đọc rất nhiều thông tin, câu chuyện có giá trị, ý nghĩa và cảm xúc – khi anh Hiển là người chứng kiến, trực tiếp tham gia nhiều hoạt động tình nghĩa xã hội để giúp đỡ người khó khăn tại Sài Gòn. Anh ấy đã có nhiều bài viết phản ánh những góc khuất mà tôi không đọc được ở nơi khác.

Đó là điều tôi trân trọng và ghi nhận.

Còn tai nạn vừa qua, tôi tin là nó sẽ giúp anh Hiển, tôi và những người khác phải thận trọng hơn khi viết lách, truyền tải thông tin.

Lời tự răn mình này, rõ ràng chẳng bao giờ là cũ cả!

Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn

Trước khi viết bài trên, tôi đã biên một bài khác với góc nhìn cá nhân, khi thấy nhà báo Nguyễn Đức Hiển bị nhiều người “tấn công” trên mạng xã hội một cách vô lối.

Tôi sẽ gửi thêm bài góc nhìn cá nhân đó ở ngay dưới đây, để mọi người tham khảo và tự rút ra suy nghĩ của riêng mình:

Chuyện anh Hiển

Lẽ ra không nên giật tít như thế này, nhưng vì nhiều người nói (cả trực diện, cả bóng gió), nên tôi chọn đề cập thẳng luôn cho rõ ràng.

Từ hôm qua đến nay, Facebook rộ lên câu chuyện cúi xuống rồi lại nảy lên.

Người ta cúi xuống trước một thông tin “đầy cảm xúc”, về vị bác sĩ “rút ống thở của mẹ, nhường cho sản phụ, rồi sau đó, anh lại tự tay đỡ đẻ cặp song sinh cho sản phụ đó”.

Xong người ta lại “nảy lên”, khi hay tin đó là giả mạo.

Câu chuyện bị cho là fake đó, tới giờ này, không ai giải thích được động cơ của người “sáng tác” ra nó.

Và mọi người chỉ cần biết rằng: Một trong những người hay “nói”, hay “làm”, hay “viết” nhất thời gian qua là nhà báo Nguyễn Đức Hiển (Phó TBT Báo Pháp luật TP.HCM) – thì do anh đã biên status thông tin về sự việc, nên khi sự việc ấy sai, anh Hiển trở thành “kẻ đáng chết”.

Tôi thấy người ta “dạy dỗ” anh Hiển về “đạo đức, nghiệp vụ” làm báo.

Tôi thấy người ta bỉ bôi, gọi anh Hiển là “tay này, tay nọ”, hào hứng khi thấy một KOL của làng báo sa chân.

Thật kỳ lạ!

Thông tin đó có sai không? Có!

Anh Hiển có sai không? Có! Anh ấy đã rút bài, đăng lời xin lỗi chân thành.

Anh Hiển có ý định vụ lợi gì qua bài đăng đó không? Không! Anh ấy không cần “fame” như cái thói áp đặt nửa mùa mà vài kẻ hẹp hòi cố gán vào.

Thế tóm lại là sao? Đó đơn giản là một tai nạn!

Tôi không tin có ai dám ưỡn ngực mà khẳng định rằng: “Đời này, kiếp này, không bao giờ ta vướng phải fake news”.

Còn anh Hiển – cái anh hay “nói” những câu chuyện cảm xúc hoặc bông đùa đúng phong cách chân chất “hút thuốc Thăng Long, uống rượu quê chứ không dùng rượu ngoại”, hay “làm” những việc thiện nguyện xã hội cùng anh em trong “Xóm hạnh phúc”, cho đi liên tiếp thời gian qua, hay “viết” những thông tin giá trị, chân thực trong vùng dịch mà anh ấy chứng kiến – thì đơn giản là gặp tai nạn và rút kinh nghiệm.

Tại sao chỉ từ một cú tai nạn ấy, mà người ta có thể dễ dàng quay lưng, hất đổ những điều tử tế, tốt đẹp mà anh Hiển đã, đang và chắc chắn sẽ làm tiếp?

Có lẽ chỉ vì… cuộc đời này là cái cõi tham – sân – si chẳng bao giờ có hồi kết mà thôi!

Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn

Ảnh: Anh Hiển cầm lái, “tả xung hữu đột” vào các khu vực cách ly để tham gia hỗ trợ người nghèo, trong đại dịch Covid-19 ở TP.HCM.

Hiển thị thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.