Góc chuyên mônBài nổi bật

Chiếc xe hơi tiền tỉ bị “lỗi lên lỗi xuống”: Lại câu chuyện Content “lệch lạc”?

Trước đây, tôi rất ấn tượng với lời ví von “lưỡi miệng” như… “lưỡi kiếm”, vì khả năng sát thương khủng khiếp. Tới giờ, câu chuyện ấy được tái hiện nhiều lần, khi tôi gặp không ít tình huống trớ trêu. Đó là những “đòn truyền thông xấu xí” thể hiện qua các Content “lệch lạc”, có thể dẫn dắt người khác hiểu sai bản chất vấn đề.

Chiếc xe hơi tiền tỉ “lỗi lên lỗi xuống”

Sự việc được tóm tắt như sau:

Chủ xe “Vinh Nguyen” mua chiếc ô tô Mitsubishi Outlander hồi tháng 4/2022. Ngay sau khi mua, chiếc xe này đã bị lỗi công tắc rẻ quạt và mạch đi hộp số (báo “Transmission Service”).

Lỗi trên phải đưa vào xưởng tổng cộng 7 lần trong vòng 3 tháng để xử lý.

Sau đó, theo chủ xe, chiếc Outlander còn phát sinh lỗi “Immobilizer System”.

Cụ thể, xin xem hình ảnh chụp post gốc dưới đây:

Diễn biến tiếp theo, là khi một người kiểm duyệt (ở diễn đàn xe hơi mà anh “Vinh Nguyen” đăng bài) chia sẻ nội dung phản hồi được cho là của “bên đại lý phụ trách xử lý”.

Nội dung phản hồi đó được trình bày cụ thể như ở dưới đây:

Khi quan sát sự việc này, các bạn có thấy điều gì đó bất thường không?

Tôi thấy “Có!”, và sự bất thường đó được chỉ rõ ở phần 2 của bài viết này.

Content “lệch lạc”: Dẫn dắt người khác hiểu sai bản chất vấn đề

Khi tiếp nhận thông tin, vốn là người làm báo, tôi có thói quen nghe nhiều nguồn, phân tích trước khi đưa ra nhận định.

Ở tình huống đã nêu, dựa trên nội dung tố cáo và phản hồi, thì chúng ta có thể tư duy trực diện vào vấn đề như sau:

– Chiếc xe mới mua có bị lỗi từ nhà sản xuất không? Có!

– Để khắc phục lỗi đó, nhà sản xuất đã làm gì? Cần tới 7 lần đưa xe vào gara!

(*)

Vậy, nếu là chủ xe, chúng ta có cảm thấy bức xúc, thậm chí là “tức phát điên” không? Nếu ai trả lời là “Không!”, thì hẳn sự bao dung đã đạt tầm mức vô cực rồi!

Thế nhưng, sự méo mó, lệch lạc trong nội dung phản hồi kể trên xuất hiện ở chỗ này: (xem hình ảnh, phần bôi đỏ).

Nghĩa là: Lỗi có thật từ nhà sản xuất và quá trình sửa lỗi đằng đẵng 3 tháng với 7 lần xe vào gara đã được “giải thích” vô cùng ngắn gọn và “êm tai” – “đã hoàn thành mà không còn phát sinh lỗi”.

Trong khi đó, một lượng chữ nhiều gấp đôi được dùng để đánh lái câu chuyện sang lời giải thích (dẫn dắt) là “thói quen sử dụng hơi trái khoáy của người lái” (về số N, số P), “chủ xe ko tiếp thu, cầu thị”, “vẫn tiếp tục đổ cho xe lỗi”.

Kỳ lạ không? Vấn đề chính gây bức xúc lớn nhất chính là cái lỗi (*) kia, thì được diễn giải đơn giản lắm! Còn lỗi sau đó thì lại được “tiết lộ” kèm theo một thông tin gây liên tưởng rằng, chủ xe “khùng khùng”.

Như thế là hành động chơi không đẹp, với một Content “lệch lạc”, xảo ngôn!

Bởi tôi giả sử, chủ xe “khùng khùng” thật chăng nữa, thì việc để tồn tại lỗi (*) trên một chiếc xe mới mua, gây ra nhiều sự bất tiện… mới là vấn đề lớn nhất, cần nhà sản xuất có ý kiến và khắc phục!

Nếu có thể gửi lời nhắn tới những người làm truyền thông cho doanh nghiệp nói trên, thì tôi sẽ nhắn rằng: Khách hàng chưa cần làm “Thượng đế”, nhưng hãy để cho họ được làm khách hàng đúng nghĩa.

Chứ đừng biến họ thành những “kẻ khùng khùng”, vì vấn đề lỗi sản phẩm và các Content “lệch lạc”!

Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn

Hiển thị thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.