Góc chuyên mônBài nổi bật

Làm gì có thứ tri thức nào hào nhoáng, tỏa mùi thơm nưng nức!

(Bài chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận tri thức, tránh bị dẫn dắt sai trái).

Thời gian qua, các phong trào kiểu “phát triển bản thân” đã liên tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Mặt tích cực của xu hướng này là giúp cho mỗi người trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Nhưng… nó cũng tồn tại mặt tiêu cực, khi tạo ra sự ảo tưởng quá lớn cho những người đón nhận tri thức một cách thiếu tỉnh táo.

*****

Tôi thấy rõ nhất sự ảo tưởng nói trên khi chứng kiến một số người bạn tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Họ thay đổi hoàn toàn!

Không bàn về những thay đổi kiểu “tẩy não”, mà tôi chỉ nói tới những cách thể hiện phù phiếm mỗi khi họ đi dự một sự kiện đa cấp cụ thể nào đó.

Khi tới nơi, họ ăn vận bóng bẩy, trong một không gian đầy hào nhoáng, với mùi nước hoa thơm nưng nức. Họ bả lả cười, bả lả giao lưu, “chia sẻ kiến thức”…

Lúc về nhà là giai đoạn họ tán tụng nhau, cảm ơn lên, cảm ơn xuống. Họ viết những lời cảm ơn nhiều tới nỗi, tôi cảm tưởng sự biết ơn đó được họ trao cho từ bà bán nước ngoài cổng, đến những “anh, chị, em” mà cả năm mới chỉ gặp nhau được một lần.

Các post Facebook thì nổ tùm tụp: “Quả là một ngày đắm chìm trong kiến thức, hai ngày biết ơn trong biển sâu trí tuệ, ba ngày thấm đẫm tư duy…”.

Tải eBook chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về kỹ năng viết lách, Content Marketing, PR của Tác giả Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn

Chứng kiến những thứ phi lý ấy, mọi người có thấy “bực mình” hay không?

Cá nhân tôi thì có, bởi tôi luôn tin rằng, “tri thức” chẳng hề bóng bẩy, hào nhoáng, thơm nưng nức bao giờ!

*****

Nếu đã từng tự học, hoặc đi học một kỹ năng mới mẻ nào đó, chúng ta thường có cảm nhận khá giống nhau, ở chỗ:

Thứ nhất là thấy “khó nhằn”!

Bởi đó là thứ mới mẻ với bản thân mình, nên thường phải vò đầu, bứt tai, loay hoay với tri thức đó. Thậm chí, mình còn cảm thấy khó khăn để điều khiển nó đi đúng các tiêu chuẩn được học.

Thứ hai, khi làm xong và đạt yêu cầu, thì bản thân thường thấy rất mất thời gian.

Vì không có cách nào rút ngắn thời gian thật nhanh chóng, nên việc tiếp thu tri thức đòi hỏi bản thân phải thực sự kiên trì, để cải thiện dần tốc độ thực thi – làm tốt nhưng phải nhanh hơn nữa!

Thứ ba, có những lúc gặp vấn đề khó hiểu, khi muốn tìm tòi sâu vào lõi bản chất, mà không ai hướng dẫn cho, thì quả thật là bí bách. Rồi lại phải vò đầu, bứt tai, tìm đủ mọi nguồn, tìm cả bằng tiếng Anh để vừa dịch, vừa hiểu…

*****

Với cả 3 điều nói trên, thì “tri thức” thực sự mang lại cảm nhận như thế nào?

Với tôi, “tri thức” không hề khoác tấm áo mỹ miều, không đậm đặc những thứ mùi hóa chất nồng nặc. Trái lại, nó rất thô ráp, cục mịch, đòi hỏi bản thân phải mài giũa cho tinh túy hơn.

Thậm chí, “tri thức” có thể mang thứ mùi… vài ngày không tắm vì vật lộn với vấn đề cần giải quyết, mang loại mùi hỗn hợp của cà phê – chè đặc, mùi tỏa nhiệt máy tính, mùi sách cũ, mùi mì tôm nấu trứng lúc đêm khuya…

Học xong Kỹ năng Viết chuyên nghiệp Content Marketing, PR của Giảng viên Trung Hiếu, học viên chia sẻ kinh nghiệm gì?

*****

Sau thời gian vật vã với… tri thức, tới lúc hiểu bản chất, tiến bộ hơn, bản thân sở hữu khả năng thực thi hiệu quả, thì ta mới thấy tri thức thật đẹp đẽ.

Nhưng cái đẹp, cái thơm đó khác hoàn toàn câu chuyện “một ngày chìm đắm trong kiến thức, hai ngày biết ơn trong biển sâu trí tuệ, ba ngày thấm đẫm tư duy…” đã nhắc ở trên.

Mọi sự “chém to, kho mặn” một cách thái quá, khoác cho tri thức tấm áo phồng phềnh vỏ ngoài đầy bóng bẩy, rời xa cốt lõi bản chất, thì đều không đáng được đánh giá cao.

Những người thực sự có tri thức, hiểu và yêu tri thức chắc chắn sẽ nhìn ra điều đương nhiên đó!

Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn

Hiển thị thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.