Góc chuyên mônBài nổi bật

Làm freelancer: Đời không như là mơ!

(Hiểu đúng freelance để có hướng đi phù hợp)

“Freelance – làm việc chủ động và tự do – là xu hướng khó bỏ qua!”.

“Đặc biệt phù hợp với người làm công việc viết lách, hoặc những công việc nhận job theo gói chủ động…”.

“Không cần đi lại, không bị o ép, thu nhập đa dạng, tự mình làm chủ công việc của mình…”.

Đó là những nội dung “khích lệ” việc trở thành freelancer mà rất nhiều người trẻ đang tạo ra, và cố gắng lan tỏa trên nhiều diễn đàn về viết lách, Content.

Bi hài ở chỗ, tôi cũng đã gặp, đã đọc nhiều nội dung như vậy, nhưng tôi gặp từ… 12-13 năm trước! Tại sao lại thế?

Khi đó, những blog cá nhân, những bài chia sẻ trên blog Yahoo! 360 hay một số bài viết trên báo… cũng bày tỏ quan điểm giống hệt bây giờ, khiến người đọc – người trẻ cảm thấy rất hào hứng, muốn trở thành freelancer ngay lập tức.

Tuổi trẻ mà, là tuổi thích sự tự do, chủ động, không bị bó buộc, bí bách…

Thế nhưng, thực tế có hấp dẫn và dễ sống như vậy không? Chắc chắn là “Không!”.

Vì dù đã trải qua hơn 10 năm với rất nhiều thay đổi, những công việc và người làm freelance vẫn không khác xưa là mấy (về khả năng “sống được”, “sống tốt”)!

*****

Có thể nói, các freelancer “hình mẫu” là những blogger làm về du lịch, ẩm thực… Họ được mô tả là sống bằng cách viết lách các bài cộng tác báo chí, viết sách, viết blog và nhận book bài PR…

Sau này, khi nghề Content phát triển, quan điểm sùng bái công việc freelance được đà nhân rộng, với quan điểm rằng, mô hình này sống tốt vì mọi người đều có thể làm Content SEO, Content Social từ xa cho doanh nghiệp.

Tải eBook chia sẻ chuyên môn về kỹ năng viết lách, Content Marketing, PR, hiểu đúng freelance của Tác giả Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn

Nhưng thực sự thì có bao nhiêu người sống được, sống tốt với mô hình tự do, chủ động đó? Thực tế không nhiều!

Đó là vì freelance là hình thức làm việc không có nhiều ràng buộc, nếu không muốn nói thẳng ra là không có tính trách nhiệm cao.

Nghĩa là ở vị trí người thuê job, họ không thể liều lĩnh giao phó công việc quan trọng cho freelancer trẻ, chưa chứng minh được uy tín, kinh nghiệm…

Bởi vậy, đa số công việc dành cho freelancer trẻ thường đơn giản, ở cấp độ trình độ chuyên môn thấp, đi kèm là mức chi trả khiêm tốn – như job Content SEO dạng copy, xào xáo, quản trị nội dung fanpage…

Đa phần bộ phận freelancer sinh viên cảm thấy “tạm đủ”, vì mức chi trả đó giải quyết một vài khoản sinh hoạt, và quan trọng hơn, họ đặt mục tiêu học hỏi, tích lũy kinh nghiệm là chính.

Thế nhưng ở góc độ một người “bình thường”, tức là tự lo toàn bộ sinh hoạt phí – bao gồm cả phí sinh hoạt gia đình, nếu đã cưới vợ, sinh con – cũng như dự trù, định hướng tương lai, thì rõ ràng, “công việc freelance” quá khó để đáp ứng, vì những điểm hạn chế đã nêu ở trên.

*****

Vậy, có cơ hội nào cho các freelancer sống “bình thường”, thậm chí là đầy đủ, sống tốt hay không?

Có! Nhưng chắc chắn, cơ hội đó không dành cho số đông!

Bởi dù ở vị trí “tự do”, chủ động, thì freelancer đó phải chứng minh được uy tín, kinh nghiệm, thể hiện được trình độ chuyên môn tốt, đảm nhận được các job khó…

Học xong Kỹ năng Viết chuyên nghiệp Content Marketing, PR của Giảng viên Trung Hiếu, học viên hiểu đúng freelance nói gì?

Đó chắc chắn không phải là những freelancer “đại trà”, mà là những cá nhân từng trải, đã “trầy da tróc vảy” qua nhiều vị trí, vai trò và công việc khác nhau, đã phải đi làm thuê với đủ những áp lực, bức bách…

Họ vừa phát triển năng lực bản thân, vừa xây dựng mạng lưới quan hệ, kết nối, vừa thử nghiệm các đối tác khác nhau để lựa chọn những đầu mối chất lượng và bền vững… Trong quá trình này, còn có cả những cái duyên.

Từ đó thì mới sản sinh ra công việc freelance phù hợp và có thể gắn bó lâu dài.

Điều kỳ lạ chính là ở chỗ này: Nhiều người trẻ chưa trải qua sự rèn giũa, “lửa thử vàng” đó, cũng không thể hiện được năng lực chuyên môn xuất sắc, nhưng lại tung hô và tin tưởng bản thân có thể… làm freelance bền vững.

*****

Thực tế thì “người làm freelance hoàn toàn” không có nhiều. Thậm chí, các freelancer “cứng” vẫn lựa chọn mô hình “hybrid freelancer” – “lai ghép nửa này, nửa nọ”.

Tức là: Họ có một daily job/daily business (vẫn đi làm thuê hoặc có mô hình kinh doanh riêng – hằng ngày) để ra khoản thu nhập đều đặn, rồi làm thêm freelance để có khoản bổ sung.

Hiểu đúng freelance
Muốn tận hưởng hết sự tự do của freelancer, chúng ta phải trải qua quá trình rèn luyện chuyên môn nghiêm túc, cũng như xây dựng thái độ làm việc thực sự chuyên nghiệp

Làm như vậy, nhẹ nhàng thì công việc freelance có thể giải quyết chi phí cá nhân như cafe, ăn sáng, xăng xe, điện thoại… Tốt hơn nữa thì có thể chi trả toàn bộ sinh hoạt phí, để tăng khả năng tích trữ tài chính.

Rõ ràng, những công việc linh hoạt, chủ động, tự do… luôn có sức hấp dẫn riêng của nó. Nhưng để khám phá hết vẻ đẹp của thế giới “job freelance”, các freelancer cần thực sự ý thức phát triển bản thân, rèn giũa cả trình độ chuyên môn và thái độ chuyên nghiệp trong công việc.

Có vậy, “làm việc tự do” mới ra đúng cái chất… “tự do”!

Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn ACADEMY

Hiển thị thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.