Ám ảnh kịch bản video kém chất lượng: Lời dẫn/lời thoại… “xương xẩu”!
(Bí quyết tạo ra kịch bản video marketing chất lượng!)
Khi mới vào làm quản lý nội dung cho một doanh nghiệp, tôi được bạn nhân viên gửi bài để duyệt. “Anh xem cho em kịch bản chương trình…“.
Nhận xong, tôi giật mình, hoa mắt, vì… kịch bản quá rườm rà!
Rườm rà ở chỗ: Toàn bộ lời dẫn, lời thoại được viết chi tiết từng tí một.
Câu này MC nói những gì, như thế nào.
Câu kia MC nói những gì, ra sao.
Mà cả một chương trình mấy tiếng đồng hồ!
Bởi vậy nên nhìn là thấy, khi triển khai thực tế thì việc áp dụng kịch bản ấy là điều không thể! Tại sao ư?
+ Phần lời dẫn quá rườm rà, MC không thể nói lê thê như thế được.
Lẽ ra kịch bản chỉ cần ý chính (hoặc “lời dẫn key”), còn diễn đạt như thế nào thì là chuyên môn của MC. Khi đó, Content Writer ở vai trò quan sát, hỗ trợ, nhằm đảm bảo MC không nói sai tinh thần, thông điệp chung.
+ Trước khi áp dụng, thì người quản lý (là tôi) phải duyệt. Song vì kịch bản đó quá lê thê, nên tôi không thể duyệt đúng nghĩa. Mà sửa thì cũng vô vọng, vì… thà viết lại còn nhanh hơn!
*****
Ở một nhiệm vụ khác, doanh nghiệp cần làm video giới thiệu sản phẩm (có người mẫu dẫn), tôi giao cho một Content Writer khác thực hiện.
Và… vấn đề tương tự vẫn xảy ra:
Dựa vào tài liệu giới thiệu sản phẩm – vốn thuần thông tin kỹ thuật, với các nội dung khô khan, Content Writer đó đã đưa máy móc vào kịch bản video.
Tức là gần như không xử lý gì, chỉ đưa thuần vào cho người mẫu… đọc.
Kết quả là toàn bộ phần lời thoại/dẫn trở nên dài dằng dặc, lê thê và đương nhiên là khó “vào” đầu!
Tôi trao đổi với Content Writer đó: “Em thử tưởng tượng xem, khi ra trường quay, ai có thể nhớ hết đống lời thoại như vậy? Nếu thể hiện chỗ thoại ấy, cả ê-kíp thực hiện gồm diễn viên, đạo diễn, quay phim sẽ vô cùng mệt mỏi!”.
Chưa hết, ở vị trí khán giả, làm sao họ có thể “tải” những nội dung kém hấp dẫn như thế? (Đọc text thì may ra họ còn nắm được, chứ chuyển thể sang video thì…).
Tải eBook chia sẻ chuyên môn về kỹ năng viết lách, kịch bản Video Marketing, Content Marketing, PR của Tác giả Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn
*****
Có cách nào xử lý những tình huống kịch bản kém chất lượng, lời dẫn/thoại “xương xẩu” kể trên hay không? Có chứ!
Thứ nhất, Content Writer cần ý thức rằng, vai trò của lời thoại/lời dẫn trong kịch bản là cực kỳ quan trọng!
Quan trọng tới mức, ở khóa học Kỹ năng Viết chuyên nghiệp Content Marketing và PR, tôi đã phải lưu ý cho học viên: Hãy viết lời thoại/lời dẫn trước, rồi mới viết mô tả tương ứng sau.
Bởi phần lời thoại/lời dẫn đó là thứ truyền tải trực tiếp đến khán giả, nên cần làm nó hay ho, hấp dẫn, cảm xúc, thú vị, lôi cuốn….
Cho nên việc rườm rà hóa, thiếu đầu tư chỉn chu vào lời thoại/lời dẫn là không chấp nhận được!
Thứ hai, khi viết kịch bản, Content Writer phải hiểu rằng, họ cần dùng tư duy nội dung để thực hiện. Với thứ tư duy đó, chúng ta không thể bê nguyên khuôn mẫu nội dung nào đó (bài viết, thông tin kỹ thuật…) vào kịch bản được!
Thay vào đó, Content Writer cần thực hiện đúng quy trình sáng tạo nội dung để tạo ra kịch bản chất lượng.
Nghĩa là: Họ cần đọc – hiểu thông tin, sau đó vạch rõ mục đích triển khai (của kịch bản), rồi đến bước sáng tạo ý tưởng, rồi lên đề cương, trước khi bắt tay vào viết…
Một khi ý thức rõ những điều trên, các kịch bản kém chất lượng, với lời thoại/lời dẫn “xương xẩu” sẽ… biến mất!
*****
Sau khi góp ý, chỉnh sửa với 2 điều nhất quán nói trên, kết quả là kịch bản video giới thiệu sản phẩm đã thực sự lột xác.
Trong đó, toàn bộ phần lời thoại/lời dẫn rập khuôn và dài dằng dặc được thay bằng những đoạn súc tích, ngắn gọn, có bố cục, tạo điều kiện cho diễn viên thể hiện cảm xúc, tạo ra chi tiết ấn tượng…
Đến lúc quay, tôi trực tiếp tham gia ở vai trò như đạo diễn, và thấy mọi việc đều rất nhanh chóng, gọn gàng. Cả ê-kíp vui vẻ, vì không phải tái lặp cảnh diễn viên đánh vật với phần thoại/dẫn.
Video hoàn thành nhanh chóng và chất lượng!
*****
Hiện tại là khoảng thời gian được coi như “thời đại của video”. Nhưng chính sự bùng nổ đó làm cho thị trường quá “vội” – thành ra nhiều cây bút thiếu kinh nghiệm cũng lao vào làm kịch bản, khi chưa tích lũy đủ kỹ năng, tư duy nội dung.
Một khi kịch bản thiếu đầu tư, kém chất lượng, thì công sức của ê-kíp đạo diễn, quay phim, diễn viên, dựng phim… đều thành đổ sông, đổ bể!
Thế nên đến giờ, các Content Writer đã thực sự ý thức về những kịch bản sáng tạo, có chiều sâu, với những lời thoại, lời dẫn đủ “chất” hay chưa?
Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn ACADEMY & AGENCY