Thoạt nghe, bạn sẽ thấy khó chịu. Tôi cũng vậy.
Đã “không biết gì” thì làm sao viết được? Mà tốt nhất là không biết thì đừng có viết, kẻo là “giết” độc giả đấy!
Vậy nhưng, câu chuyện không đơn giản như thế.
Bởi vì trước khi “biết”, chúng ta – những cây viết – hầu hết đều xuất phát từ vạch xuất phát “không biết” mà. Vấn đề nằm ở chỗ hiểu cho đúng cái “biết” – “không biết” ấy:
Nếu biết kỹ năng tác nghiệp (thu thập thông tin, phân tích dữ liệu) thì bạn có thể viết bất kỳ lĩnh vực nào, dù trước đó, bạn chưa biết nhiều về lĩnh vực đó.
Nếu chỉ biết tìm kiếm thông tin internet dựa trên các cụm từ khóa đặt hàng, rồi xào xáo bài gốc thành nội dung “đáp ứng Unique Rate”, thì đó là cách làm “hớt váng”, “viết khi không biết gì/biết sơ sơ”.
Nào, chúng ta cùng tìm hiểu xem những thứ ấy là gì nhé!
*****
Câu chuyện thứ nhất: Hàng xóm nhà tôi là một chị đang nuôi con nhỏ. Ngày nọ, con chị cứ quấy khóc, không rõ lý do, chẳng hiểu do mọc răng hay khó chịu ở bụng.
Theo đúng phản xạ “thời 4.0”, chị lên mạng, tìm kiếm thông tin dựa trên những biểu hiện của con.
Rất nhiều thông tin “bắt bệnh” xuất hiện: Nào là có thể do viêm ruột thừa, do lồng ruột, do nhiễm trùng…
Chị hoang mang lắm, không biết nghe theo nguồn nào, đúng kiểu “đẽo cày giữa đường”, vì thấy các nguồn đều nói biểu hiện “giông giống” con chị, song lại phán ra một hướng vấn đề và xử trí khác nhau.
Cuối cùng, chị đành nghe lời tôi, là cho con tới bệnh viện (trước đó “ngại” đi), khám và yên tâm với sự tư vấn của bác sĩ.
Có một chuyện mà chị không biết, đó là rất nhiều nguồn tin mà chị đã tham khảo là do những Content Writer chuyên làm nội dung SEO tạo ra.
Họ – trẻ đến nỗi nhiều người thậm chí còn chưa có người yêu (thì đừng nói tới việc có con và đủ kinh nghiệm tư vấn) – vẫn cung cấp kho nội dung như thể là “chuyên gia chăm sóc sức khỏe trẻ em” vậy!
Ở đây, những người tạo nội dung đã “viết khi không biết gì” – một kiểu viết lách vô trách nhiệm!
*****
Câu chuyện thứ hai: Một đồng nghiệp báo chí của tôi phụ trách chuyên mục Đời sống. Một hôm, anh ấy nổi cáu với đội ngũ cộng tác viên nội dung, bởi vì…
Bài 1: Những hiểm họa khôn lường khi ăn mỡ động vật.
Bài 2: Dầu thực vật – Cảnh báo những nguy cơ về loại “nước công nghiệp” này.
Bài 3: Ăn thiếu chất béo, ảnh hưởng thế nào?
…
“Các em cứ cắm mặt vào làm nội dung mà không nhìn tổng thể, chẳng tìm hiểu kỹ, thế khi đọc lại những gì đã viết, các em xem người ta còn dám ăn gì nữa không???”, anh ấy gắt vậy.
Tuy câu chuyện này không trực tiếp liên quan tới doanh nghiệp, nhưng đây cũng là một dẫn chứng cho thấy “hiểm họa khôn lường” của việc đặt bút viết mà… “không biết gì”!
*****
Như đã đề cập trong phần đầu bài, vấn đề cốt lõi ở đây là cần hiểu đúng về cái sự “biết” – “không biết”:
Chúng ta là người làm nghề viết lách (tạo ra nội dung, đương nhiên), cho nên chúng ta khó có thể hiểu hết về vô số lĩnh vực chuyên môn của khách hàng đặt viết bài: Xây dựng, thực phẩm, y tế, giáo dục…
Tuy nhiên, chúng ta phải BIẾT kỹ năng viết chuyên nghiệp, để có thể khai thác thông tin từ lĩnh vực KHÔNG BIẾT, từ đó, chuyển trạng thái nhận thức của bản thân sang thành BIẾT mảng chuyên môn mới, trước khi viết.
Đừng hiểu nhầm “khai thác thông tin” chỉ là lên mạng internet tìm kiếm, đọc sơ sơ rồi lấy nội dung về xào xáo!
Kỹ năng viết chuyên nghiệp bao gồm:
* Tác nghiệp: Thu thập thông tin – tìm kiếm trên internet và phỏng vấn chuyên gia, người liên quan (của doanh nghiệp đặt hàng).
* Phân tích dữ liệu: Đối chứng chéo để đảm bảo thông tin ta thu được là đúng đắn. Nếu có gì chưa rõ ràng, thì người viết cần phải tìm hiểu tiếp.
* Diễn đạt đa dạng: Viết gần gũi, hấp dẫn để đăng Facebook; viết khách quan, dưới dạng thể loại chuyên nghiệp để đăng báo chí, website, blog…
Đó! Nếu bạn KHÔNG BIẾT kỹ năng viết chuyên nghiệp, lại KHÔNG BIẾT mảng chuyên môn của khách hàng, mà vẫn… viết, thì đó chắc chắn là lối viết dễ dãi, không gắn kèm trách nhiệm một cách xứng đáng.
*****
Hôm rồi, tôi được một nữ giám đốc của hãng hạt dinh dưỡng tặng một hộp sản phẩm mới mà công ty chị sắp ra mắt.
Hộp gồm hàng chục gói hạt các loại khác nhau, mỗi gói gồm 30 gram hạt (hạnh nhân, điều, óc chó, nho khô, mix…), với bao bì thiết kế ấn tượng, mỗi vỏ bao lại có một lời nhắn nhủ gần gũi và thú vị khác nhau.
Ngồi trò chuyện, tôi được biết rằng, sở dĩ công ty của chị có cách đóng gói sản phẩm như vậy là vì dựa trên quy trình khảo sát thị trường, họ nhận ra vấn đề của khách hàng: Nếu đóng gói kiểu truyền thống với gói to, khách sẽ phải mất công bảo quản khi chưa ăn hết. Nhiều trường hợp, cách bảo quản không tốt khiến cho hơi ẩm lọt vào, hạt bị giảm chất lượng…
Vậy là công ty này đã nghiên cứu và tạo ra các gói “30 gram hạt” để vừa đủ một bữa ăn nhẹ cho mỗi người, giải quyết vấn đề mang theo và sử dụng một cách trọn vẹn.
Những lời nhắn nhủ gần gũi và thú vị trên mỗi gói (“Hãy mỉm cười”, “Hãy thư giãn”, “Thay đổi thói quen xấu”, “Đừng bỏ cuộc”…) cũng được tính toán hợp lý, như một thông điệp tích cực mỗi ngày, in trên từng gói hạt “dùng hằng ngày”…
Bạn thấy điều gì qua cuộc trò chuyện, tìm hiểu ở trên, giữa tôi với nữ giám đốc doanh nghiệp?
Đó là tôi đã phát hiện, ghi nhận được những thông tin rất gần gũi, hữu ích, để làm chất liệu cho truyền thông, Content, khi muốn kể câu chuyện về sản phẩm, thương hiệu.
Một chất liệu thể hiện sự tâm huyết, đặt tấm lòng vào sản phẩm của chủ doanh nghiệp – mà lại không khai thác được, thì quá phí phạm! Cũng đừng bảo rằng, nếu chủ doanh nghiệp không nói ra thì… làm sao biết (?!).
Khai thác dữ liệu là việc của người làm nội dung chuyên nghiệp, không thể để người khác tự nói hết ra được (vì nhiều khi, họ không biết, không ý thức được giá trị của chất liệu đó).
Nếu không đi sâu tìm hiểu, tôi sẽ không thể biết những “ngóc ngách” chuyên môn như vậy trong ngành của họ. Thay vào đó, một người viết nghiệp dư có lẽ sẽ lại chỉ khai thác nội dung “kiểu công thức chung chung”, như: Hạt dinh dưỡng là gì? Tại sao nên dùng hạt dinh dưỡng? Cách lựa chọn hạt dinh dưỡng chất lượng…
*****
Vậy thì bây giờ, các bạn đã có lời đáp cho câu hỏi ở tiêu đề rồi chứ?
“Làm sao để viết khi… “không biết gì”???”
Muốn viết khi “không biết gì”, thì bắt buộc phải BIẾT kỹ năng viết chuyên nghiệp, để sử dụng lõi chuyên môn này tìm hiểu lĩnh vực chuyên môn KHÔNG BIẾT mà chúng ta sắp viết.
Tìm hiểu xong, biết tới đâu, ta viết tới đó!
Vậy nên… xin đừng cho rằng, viết lách là công việc dễ dàng. Nó chỉ dễ khi chúng ta không đính kèm trách nhiệm vào nội dung một cách đúng mực mà thôi!
Tác giả: Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn