Bài nổi bậtGóc chuyên môn
Đáng quan tâm

Sai lầm phổ biến nhất của người viết Content: Đặt bút là… “vẽ voi”!

Qua thời gian đào tạo, hướng dẫn kỹ năng viết lách cho các học viên, tôi nhận thấy một trong những sai lầm phổ biến nhất của người viết Content là… sự chung chung, lối tiếp cận “sáo”.

Điều đó khiến cho nội dung viết ra bị kém hấp dẫn, vì sự chung chung/”sáo” đó là điều… ai cũng biết, nên đương nhiên, người đọc sẽ chẳng mấy quan tâm.

*****

Ví dụ cụ thể thế này: Chủ một quán phở muốn biên bài giới thiệu về món phở rất thơm ngon của gia đình. Nơi đăng là Facebook cá nhân, với mục đích thu hút sự quan tâm của mọi người.

Ngay từ lúc mở đầu, chủ quán (kiêm… Content Writer) đã viết kiểu chung chung như sau: “Phở là món ăn truyền thống của Việt Nam, được xem như một trong những món ăn tiêu biểu nhất cho nền ẩm thực nước ta. Bạn bè quốc tế cũng đã dành nhiều tình cảm, sự ấn tượng cho món phở…“.

Cứ thế, vòng vèo mãi rồi mới tới đoạn nói về… cửa hàng phở nhà mình. Khổ nỗi, độc giả đâu thể đủ kiên nhẫn để đi đường vòng xa đến vậy?

Vấn đề ở đây là nội dung giới thiệu món phở cụ thể, của một cửa hàng cụ thể, chứ không phải là một bài báo luận bàn văn hóa ẩm thực.

Do vậy, cái lối tiếp cận lòng vòng, kiểu từ “vũ trụ” rồi đến “Trái đất”, xong tới “châu Á”, qua đến “Việt Nam”, “Hà Nội”… rồi mới chịu hiện ra cửa hàng phở thì gần như đánh mất người đọc.

Thay vào đó, chủ quán đó nên vào thẳng câu chuyện (liên quan) phở nhà mình, với chi tiết cụ thể, gần gũi.

Kiểu như: “Lúc nhìn vào nồi nước dùng sôi sùng sục, khói bốc nghi ngút làm mờ đặc hai mắt kính của những thực khách tò mò ngó xem, ai cũng thấy an tâm vì những cục xương bò nằm ‘lắc lư’ trong nồi.

Phải rồi!

Mọi người khen nhất nước dùng phở của nhà tôi, cốt bởi cái vị ngọt vừa dịu vừa sâu, do ninh từ 5 kg xương bò cho nồi 10 lít. Tuyệt đối không có chuyện châm thêm nước sôi vào trong suốt thời gian bán, mà chỉ châm nước ninh xương hầm trước đó.

Bởi vậy, mỳ chính là thứ mà thực khách chẳng bao giờ tìm thấy ở quán nhà tôi. Nó hiếm như thể chỗ ngồi tại quán lúc vào giờ cao điểm vậy…“.

Đương nhiên, đó chỉ là một chi tiết nhỏ để minh họa cho việc viết gần gũi, gắn với thông tin cần truyền đạt. Còn tổng thể nội dung thì cần có ý đồ rõ ràng và xuyên suốt, đạt mục đích đã đề ra ban đầu (Giới thiệu cửa hàng phở? Chia sẻ câu chuyện làm phở để bồi đắp thương hiệu? Quảng cáo phở để mời gọi mọi người tới thưởng thức?…).

*****

Tương tự câu chuyện trên, thực tế, tôi gặp rất nhiều tình huống viết chung chung, trong khi nội dung lại được đăng trên các kênh gần gũi, với mục đích thu hút sự quan tâm của đại chúng.

Một cô gái tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp đã viết về người chủ hệ thống bằng những mỹ từ như: “Em biết ơn cuộc đời đã gieo duyên cho em được gặp chị – người đã giúp đỡ hàng triệu con người, hàng triệu cửa hàng, hàng triệu…”.

Hay một người viết về tầm quan trọng của yếu tố quản trị trong doanh nghiệp thì tiếp cận từ góc độ “xa xôi” như: “Nếu doanh nghiệp của bạn được quản trị tốt thì sẽ giúp cho các hoạt động diễn ra hiệu quả hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài, với một hệ thống các quy tắc, cơ chế, quy định mà thông qua đó doanh nghiệp được điều hành và kiểm soát…”.

Sau đó, họ hỏi tôi: Tại sao viết mà không được mấy ai quan tâm, tương tác?

Ở tình huống cô gái, con số hàng triệu đã bị “chém to kho mặn” một cách sáo rỗng (vì chưa ai biết về người chủ hệ thống đang được tâng bốc, nên “số má” lúc này không gợi nhiều cảm xúc).

Thay vào đó, người viết chỉ cần tập trung vào một câu chuyện: Người chủ hệ thống đã giúp đỡ cụ thể một hoàn cảnh như thế nào? Người được giúp từng lâm vào cơn bĩ cực ra làm sao? Ở tận cùng của sự tuyệt vọng, bàn tay giúp đỡ ấy đúng lúc, đúng chỗ đến thế nào? Từ đó, tự người đọc sẽ có cảm tình với nhân vật được đề cập.

Tương tự, ở câu chuyện về “quản trị”, người viết cần khai thác một (hoặc một vài) câu chuyện cụ thể của các doanh nghiệp: Trước khi áp dụng kỹ năng quản trị bài bản, doanh nghiệp đã điêu đứng ra sao? (dẫn những chi tiết rõ ràng). Kể từ lúc có quản trị, công sức đã tiết kiệm thế nào, hiệu quả công việc tăng bao nhiêu? (cụ thể).

Có thế, người đọc mới quan tâm, mới tò mò, bị cuốn vào những câu chuyện mà họ chưa mường tượng ra. Còn khi viết chung chung, thì ai cũng đoán được cả.

Đương nhiên, các bạn sẽ thấy cách viết “chi tiết, cụ thể” sẽ… tốn công hơn nhiều. Tốn ở chỗ: Người viết phải có sự từng trải, chiêm nghiệm, phải quan sát, tìm tòi những câu chuyện thực tế.

Bởi thế, đặt bút mà “vẽ voi” thì rất dễ, còn “vẽ kiến” mới khó làm sao!

*****

Tôi rất tâm đắc với một quan điểm mà cố nhà báo Hữu Thọ từng chia sẻ.

Ông nói rằng, càng những cây bút trẻ tuổi, non kinh nghiệm, thì lại càng viết mọi thứ từ góc độ “đao to búa lớn”, to tát. Tuy nhiên, cuối cùng, nội dung của họ chẳng đọng lại được ấn tượng nào.

Ngược lại, những cây bút từng trải, chiêm nghiệm thì luôn viết lách với góc nhìn từ những thứ nhỏ bé, gần gũi, đơn giản trong cuộc sống. Nhưng từ những chi tiết đó, họ lại nói được điều lớn lao, ý nghĩa và tạo dấu ấn trong lòng độc giả.

Kết lại, nếu bạn là một cây bút và muốn thu hút sự chú ý của đại chúng vào câu chuyện của mình, thì điều đầu tiên là phải gạt bỏ thói quen viết lách chung chung, “sáo” đi!

Mỗi khi viết lách, hãy luôn nhớ tới những chú kiến lợi hại trong truyện ngụ ngôn “kiến đốt voi” thuở nào. Đặt bút, là để “vẽ kiến”, chứ không phải “vẽ voi”!

Tác giả: Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn

Hiển thị thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.