Bài nổi bậtGóc chuyên môn
Đáng quan tâm

Áp dụng kỹ năng phỏng vấn vào Content (kỳ 1): “Vũ khí” tạo giá trị!

Khi đi dạy kỹ năng viết chuyên nghiệp áp dụng vào việc thực thi Content Marketing, Content PR, tôi khá bất ngờ khi không ít học viên… trố mắt, hỏi: “Phỏng vấn để làm gì vậy thầy?”.

“Thế bình thường, khi viết nội dung, các em không phỏng vấn (chủ doanh nghiệp, chuyên gia, khách hàng…) thì lấy thông tin, chất liệu ở đâu để làm?”, tôi hỏi ngược lại với đôi mắt trố không kém.

“…”.

Khổ vậy đấy!

Dấu ba chấm nói trên như thế nào, chắc ai đã từng làm Content SEO dạng xào xáo đều hiểu.

Không phỏng vấn, thì chẳng thể có thông tin đủ sâu, hay ho, thú vị, bất ngờ. Tóm lại, thông tin đó sẽ khó mà “giá trị” được!

Có khi chỉ từ một cuộc trò chuyện ngắn, vô số ý tưởng Content cũng có thể nảy ra.

Thế mà rất nhiều Content Writer luôn than thở về việc bí ý tưởng, nhưng lại chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện đi khai thác thông tin từ những người trong cuộc!

*****

Phỏng vấn vừa là thể loại, vừa là một phương thức tác nghiệp cần thiết đối với các thể loại nội dung khác.

Chẳng hạn, ở một bài phản ánh, thì “phỏng vấn” là phương thức tác nghiệp, để người viết khai thác thông tin của nhân vật, người chứng kiến sự việc, chuyên gia…

Còn khi bạn đọc những bài phỏng vấn (thường thấy trên báo), với phần hỏi – đáp đan xen, thì đó là lúc “phỏng vấn” đóng vai trò thể loại.

Bài phỏng vấn thường tập trung vào những vấn đề chuyên sâu, khai thác chi tiết quan điểm xã hội, chuyên môn… của nhân vật. Đương nhiên, nhân vật được chọn phỏng vấn phải là người nổi bật ở lĩnh vực của họ (chuyên gia, người có thành tích đáng chú ý…).

Đó! Đó chính là điều lợi hại khi bạn áp dụng kỹ năng phỏng vấn vào việc sản xuất Content (Marketing, PR).

Tại sao lợi hại?

Cái sắc thái mà thể loại này mang đến – khiến độc giả ấn tượng – là nhân vật trả lời phải “có số má” thì mới “được hỏi” chứ!

Chẳng hạn, một ông giám đốc doanh nghiệp muốn thể hiện quan điểm chuyên môn của mình trong lĩnh vực mà họ hoạt động, nhưng sẽ thật kỳ khi ông ấy tự biên bài rồi book báo đăng (ở vai trò ông là tác giả).

Nhưng nếu vẫn là nội dung đó, lượng thông tin như vậy, mà được trình bày dưới dạng bài phỏng vấn (ông giám đốc là nhân vật trả lời), thì “tự nhiên” người đọc sẽ ấn tượng rằng, họ đang nghe một chuyên gia trong ngành trả lời.

Câu trả lời đó đương nhiên “vào” hơn, có vẻ khách quan, đáng tin tưởng hơn!

Chưa hết, việc hỏi – đáp cũng giúp nhân vật dễ được chấp nhận quan điểm hơn, vì quan điểm của họ được đưa ra khi có người hỏi, chứ không phải tự họ chủ động phát biểu.

Tưởng đơn giản, nhưng yếu tố này lợi hại lắm nhé!

Trong quá khứ, từng có một chuyện dở khóc dở cười là: Một nữ giám đốc bị “giật tít” câu trả lời, đăng lên mặt báo (giống như bà ấy chủ động nói ra), khiến dư luận phản ứng dữ dội.

Nhưng sau đó, vị giám đốc giải thích rõ rằng, đấy là câu trả lời của bà trong cuộc phỏng vấn (vì được hỏi nên mới nói), thì dư luận lại xuôi đi.

(Vì muốn đảm bảo sự riêng tư cho người được nhắc tới nên tôi không mô tả chi tiết sự việc).

Các bạn thấy không? Cùng là bày tỏ quan điểm – nhưng ở dạng phỏng vấn thì “dễ được chấp nhận hơn” – so với việc chủ động bày tỏ!

Đó là một đặc điểm quan trọng của bài phỏng vấn khi áp dụng vào việc sản xuất Content cho doanh nghiệp.

*****

Có thể bạn chưa từng để ý, rằng rất nhiều bài PR của doanh nghiệp được triển khai dưới dạng bài phỏng vấn.

Nếu là bài phỏng vấn báo chí đúng nghĩa, thì những câu hỏi đưa ra đương nhiên sẽ rất khách quan – trong nhiều tình huống, người viết còn hỏi khó và “móc” – cốt để nhân vật phải đưa ra lý lẽ, thông tin để bảo vệ quan điểm của họ.

Thậm chí, khi người viết đủ tầm, họ còn tung ra những câu hỏi tựa “nhát gươm”, khiến nhân vật bị bộc lộ điểm nhược sai trái… (nếu đó là bài phỏng vấn nhân vật gắn với vấn đề tiêu cực).

Còn khi bài phỏng vấn là “PR ngầm”, thì các câu hỏi trông như rất khách quan, song thực chất là tạo điều kiện thuận lợi cho nhân vật (đại diện doanh nghiệp) được bày tỏ, nói những điều mà họ muốn nói.

Chẳng hạn, trong sự việc một hãng xe hơi ở Việt Nam có khúc mắc với khách hàng, thì bài phỏng vấn vị đại diện hãng xe (đăng báo) có thể xem như cách để doanh nghiệp này cung cấp thông tin cho dư luận (một cách “ra vẻ” khách quan, dễ nhận được sự ủng hộ hơn).

Nếu là người tinh ý, thì khi đọc nội dung đó, chúng ta sẽ không thấy những câu hỏi khó – như vốn có của một bài phỏng vấn báo chí đúng nghĩa!

*****

Để khai thác tốt kỹ năng phỏng vấn vào việc sản xuất Content cho doanh nghiệp, tôi có vài lời chia sẻ cụ thể như sau:

Điểm quan trọng nhất của bài phỏng vấn là biết cách đặt câu hỏi. Trong đó, các câu hỏi cần sáng tạo, thông minh, súc tích, không nhàm chán (tránh hỏi xong là đã biết sẵn câu trả lời).

Hãy coi việc phỏng vấn tựa như “trò chuyện thân mật”, để có được những thông tin thật nhất, gần gũi, tránh những câu trả lời “ngoại giao”, sáo, chung chung.

Đối tượng được phỏng vấn có thể là chủ doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động, khách hàng…

Để quá trình phỏng vấn đạt hiệu quả, người viết cần tìm hiểu nhân vật (hoàn cảnh, đặc điểm…) trước khi lên bộ câu hỏi.

Bộ câu hỏi nói trên cần được chuẩn bị trước, để đảm bảo tạo ra một bố cục hoàn chỉnh (có mở, thân, kết), cũng như tránh lạc đề.

Đặc biệt, người viết cần tinh ý (sẵn sàng tinh thần tùy biến), để phát hiện chi tiết độc đáo, thú vị, khi nghe câu chuyện/thông tin mà nhân vật chia sẻ. Đó là cơ sở để khai thác sâu hơn, lấy được chi tiết đắt giá (bên cạnh bộ câu hỏi đã chuẩn bị trước).

Khi về, người viết phải phân tích dữ liệu thu được để có cách trình bày khoa học, hợp lý, dễ hiểu và dễ đọc.

*****

Trong quy trình sản xuất Content gốc cho doanh nghiệp, để thực hiện các mục tiêu Marketing, PR, Thương hiệu… thì kỹ năng phỏng vấn là điều không thể thiếu.

Nếu bạn là một Content Writer mà lại chưa từng phỏng vấn, hoặc cảm thấy lúng túng khi đặt câu hỏi, thì thật đáng tiếc! Bởi bạn đã không biết khai thác thứ “vũ khí” đầy sức mạnh trong cuộc chiến tạo ra giá trị thông tin cho độc giả.

Tác giả: Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn

Kỳ 2: Áp dụng kỹ năng phỏng vấn vào Content (2): Tham khảo một case cụ thể!

Hiển thị thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.