Bài nổi bậtGóc chuyên môn
Đáng quan tâm

Lóe ý tưởng Content: Câu chuyện “gieo trồng” và “thu hoạch”

Phàm đã là người làm Content, thì “ý tưởng” luôn là vấn đề khiến chúng ta dễ “đau đầu” nhất!

Ai cũng biết rằng, muốn có ý tưởng tốt thì người viết nội dung cần có sự sáng tạo. Nhưng sáng tạo thế nào, bắt đầu từ đâu, thì có vẻ thật… mơ hồ.

Nay, tôi chia sẻ với mọi người cách thức tạo nền tảng để gia tăng khả năng “nảy số” ý tưởng.

Cách thức đó có tên là: Câu chuyện “gieo trồng” và “thu hoạch”.

*****

Trong công việc giảng dạy kỹ năng viết lách Content của mình, tôi đã đứng lớp theo lời mời của các doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác nhau: Dược, pháp lý (văn phòng luật), công nghệ, hàng tiêu dùng cho mẹ và bé…

Tại mỗi nơi, tôi thường xuyên phải đưa ra các ý tưởng để gợi ý cho từng học viên, từng nhóm thực hành.

Mỗi lĩnh vực có một đặc thù khác nhau, đòi hỏi số lượng ý tưởng phải nhiều đáng kể, cũng như phải đưa ra thật nhanh chóng trong khuôn khổ buổi học.

Học viên luôn hỏi tôi: “Vì sao thầy có thể ‘nảy số’ nhanh vậy? Mà ý tưởng lại dùng được ngay, hợp lý???”.

Bởi vì thế này đây:

Một hôm, cặp vợ chồng hàng xóm nhà tôi cãi vã, inh ỏi cả lên. Vợ thì bảo chồng dạo này “mất tập trung”, nghi ngờ có mối quan hệ ngoài luồng. Chồng thì giận dữ, bảo vợ đa nghi, thiếu tôn trọng, không thông cảm trước áp lực công việc, cuộc sống… (*)

Tôi nghe thấy, chỉ biết thở dài. Rồi sự việc (*) được lưu vào “kho” (nhận thức) của bản thân.

Thế rồi khi dạy tại một trung tâm tư vấn hạnh phúc hôn nhân – gia đình, tôi nhanh chóng nảy sinh ý tưởng về câu chuyện của một gia đình bất hòa, tồn tại sự mâu thuẫn, khác biệt, khiến họ phải tìm đến dịch vụ tư vấn khi tự thân không thể tìm được lối thoát. (**)

Hoàn cảnh của câu chuyện (**) được tái hiện từ những dữ liệu thực tế của (*), vậy nên nội dung này trở nên cụ thể, giàu hình ảnh, thu hút sự quan tâm.

Hay một lần khác, khi đang lướt Facebook, tôi tình cờ đọc được post “than khổ” của một bạn gái, chỉ vì “không chịu tìm hiểu công nghệ”.

Ấy là khi bạn bị sếp yêu cầu thay hết phần tên gọi của một sản phẩm trong bài viết. Cả bài có bao nhiêu chỗ tên gọi như thế, khiến bạn phải dò dẫm đọc, dò dẫm thay từng tí một. Thế mà vẫn bị sót, rồi ăn mắng té tát!

Sau đó, bạn gái ấy mày mò và phát hiện ra tính năng “động trời”: Trong MS Word, bấm Ctrl H là ra cửa sổ thay thế tự động, vừa nhanh vừa không bị sót.

“Dốt công nghệ là cái dốt mang tính chất… thời thế!”, bạn gái đó hài hước chốt lại.

Đọc xong câu chuyện, tôi ngẫm nghĩ và lưu nó vào “kho” của mình.

Đến khi cần gợi ý tưởng tại lớp Content cho doanh nghiệp công nghệ, tôi lại có thể nhanh chóng vạch ra một cốt truyện gần gũi, thực tế, bắt nguồn từ câu chuyện “Dốt công nghệ là cái dốt mang tính chất… thời thế!” nói trên!

Hoặc có lần, chỉ nhờ xem một bộ phim Mỹ (phim “Thiện ác đối đầu 2” ~ “The Equalizer 2”), tôi đã có ý tưởng để viết hẳn một truyện dài (12.000 chữ) theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Mà ý tưởng đó từ đâu ra? Chỉ từ sự ấn tượng với một đoạn hội thoại ngắn xuất hiện đầu phim: “Trên đời này, có 2 loại nỗi đau: Nỗi đau tổn thương và nỗi đau thay đổi…”.

*****

Qua những dẫn chứng kể trên, tôi cho rằng, cách thức nảy sinh ý tưởng gồm 2 yếu tố: Khả năng liên tưởng (1) và “kho” (vốn/nền) dữ liệu thực tế (2).

Yếu tố (1) mang tính chất năng khiếu. Nếu (1) yếu thì (2) cần phải thật mạnh để bù đắp.

Yếu tố (2) đòi hỏi chúng ta phải đọc/nghe/xem… mọi thứ, mọi lúc, mọi nơi một cách “có đầu óc”. Điều đó nghĩa là gì vậy?

Đừng hiểu nhầm rằng, để tạo “kho” dữ liệu thực tế thì chúng ta cần đọc thật nhiều sách – những thứ tri thức “tinh túy”, chọn lọc.

Thật ra, các bạn có thể đọc Facebook – kiểu “lướt Phây” với “hầm bà làng” thông tin trên trời, dưới biển, tốt/xấu, tích cực/tiêu cực, xem phim hoặc chương trình thời sự, lắng nghe câu chuyện lượm lặt ngoài quán nước…

Nhưng nếu các bạn tiếp xúc lượng thông tin khổng lồ đó một cách hời hợt, chỉ “nhìn” đơn thuần, thì mọi thứ sẽ đến và đi mà không lưu lại được gì.

Giờ, nếu muốn tạo “kho” dữ liệu thực tế trong đầu, bạn cần “quan sát” (chứ không phải “nhìn”), nghĩa là đọc – xem – nghe một cách có đầu óc: Bạn suy nghĩ về thông tin trước mặt mình, đặt câu hỏi tại sao (Tại sao nó dở vậy? Tại sao nó hay vậy? Có điều gì kỳ lạ, thú vị, đáng chú ý nhỉ?…).

Một khi tiếp nhận thông tin theo cách động não như vậy, bạn sẽ xây đắp được “kho” dữ liệu thực tế ngày càng đầy đặn.

Cho tới lúc cần nảy sinh ý tưởng, não bạn sẽ kích hoạt khả năng liên tưởng (1), dựa trên “kho” (2). Kết quả là… hàng loạt ý tưởng phong phú, đa dạng ra đời!

Nếu “kho” của bạn sơ sài, thì kể cả bạn rất có năng khiếu liên tưởng chăng nữa, việc sáng tạo ý tưởng chắc chắn sẽ bị hạn chế!

Đó chính là câu chuyện “gieo trồng” và “thu hoạch” mà tôi đã đề cập ban đầu: Xây “kho” dữ liệu thực tế chính là sự gieo trồng thông tin/diễn biến/câu chuyện… đều đặn hằng ngày, bổ sung vào nhận thức của bản thân.

Cho tới khi cần nảy sinh ý tưởng, bạn thu hoạch từ những gì đã gieo trồng trước đây.

Cũng bởi vậy, nếu bây giờ, bạn đang lướt lướt Facebook mà lại bị chồng/vợ/người yêu cằn nhằn rằng: “Suốt ngày xem thứ vô bổ!”, thì bạn có thể tự tin ngẩng đầu lên mà “tuyên bố”: “Đâu! Đây là đang bồi đắp kho dữ liệu thực tế, để phục vụ công việc Content đấy chứ!”.

Tác giả: Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn

Hiển thị thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.