Seeding kém văn minh: Cớ gì phải… dìm đối thủ?
(Content Seeding kém văn minh – Cần tránh trong Marketing!)
Ngày 14/4/2023 có một sự kiện đặc biệt.
Đó là thời điểm những chiếc xe màu xanh của một hãng dịch vụ mới thành lập xuất hiện trên đường phố, chính thức tham gia cuộc chơi với những Be, Grab…
Đó cũng là ngày mà mạng xã hội Facebook tràn ngập thông tin về dịch vụ mới nói trên – từ các KOL, fanpage lớn, cho đến những nick clone làm công việc seeding hình ảnh, nội dung vào các nhóm đông thành viên.
Tôi tạm gọi toàn bộ quá trình lan tỏa thông tin đó (phần chủ động từ phía dịch vụ) là “seeding”, cho ngắn gọn và dễ hiểu.
Tại sao có thể thấy một lượng post Facebook rất lớn là hoạt động seeding của doanh nghiệp đó?
Thứ nhất, rất nhiều nick đăng bài trên các group là dạng “clone” (nick ảo, không có thông tin rõ ràng).
Bình thường, họ chẳng hề hoạt động nhiều trên Facebook, nhưng đột nhiên, khi dịch vụ xe trên xuất hiện, họ lại năng động đến bất ngờ: Từ đăng bài group, tích cực trả lời comment, cho đến sẵn sàng… gây chiến với những người bày tỏ ý kiến trái chiều.
Thứ hai, đã là nick clone, bài đăng của họ lại còn… dài và đầy tâm huyết (?!).
Là người làm nghề đào tạo kỹ năng viết chuyên nghiệp Content Marketing và PR, tôi phải chia sẻ rằng: Bình thường, một người chuyển từ trạng thái “lười”/ít viết sang biên một Content dài cả gang tay chữ là điều rất khó xảy ra.
Đó là cả một quá trình!
*****
Vậy thì… seeding có gì là xấu không? Không hề!
Với người làm Marketing, đó là một chiến thuật bình thường và quen thuộc, nhằm mục đích quảng bá, lan tỏa thông tin, để mọi người biết tới sản phẩm/dịch vụ.
Nhưng cú seeding với liều lượng/cường độ mạnh lần này thì quả thực “có vấn đề”, trên góc nhìn cá nhân của tôi.
*****
Vấn đề đầu tiên, họ đã dùng các nick clone không hề được đầu tư – để có quá trình sinh hoạt social đủ “thật”. Cứ có việc cần seeding là các nick này lại được “dựng” dậy, đăng bài ầm ĩ.
Điều đó khiến cho những người bình thường – chưa cần phải là người chuyên làm Marketing – cũng thấy… bất thường!
Chưa kể, một số nick clone lại còn rất hiếu chiến, sẵn sàng tranh cãi, gây ức chế… Xin đừng nói rằng, “làm gì cũng được, miễn đạt KPI về tương tác”!
Tải eBook chia sẻ chuyên môn về kỹ năng viết lách, Content Marketing, PR, Content Seeding Marketing của Tác giả Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn
Việc quảng bá chỉ thực sự hiệu quả và tạo ấn tượng tốt khi quá trình seeding có sắc thái tích cực.
Mục tiêu “Được mọi người biết đến” chỉ là thứ mục tiêu tầm tầm, còn “Được mọi người biết đến, tò mò và hào hứng” thì mới đáng để hướng đến!
*****
Vấn đề thứ hai, đáng nói hơn, là không ít Content seeding thể hiện tư duy… kém văn minh, khi các “seeder” so sánh trực tiếp giá dịch vụ của họ với đối thủ Grab, Be theo kiểu… “tôi mới là rẻ nhất!”.
Rõ ràng, kiểu quảng bá “dìm đối thủ” như vậy sẽ không thể thực hiện trên những kênh chính thức, chính thống. Nhưng ngay cả ở môi trường mạng xã hội – nơi mà luật quản lý còn tồn tại nhiều vấn đề – thì cách thức “dìm hàng” đó cũng là không đẹp, xét trên vị thế thương hiệu.
Nó thể hiện tư duy manh mún, chộp giật, hoặc quyết tâm đạt mục tiêu bằng sự “đô con”, bất chấp tất cả.
Sự so sánh đó – nếu có – thì nên để những người dùng thực sự tự bày tỏ, thay vì phô ra một cách lộ liễu trong thời điểm ra mắt như vậy.
*****
Cá nhân tôi đã từng trải nghiệm một số sản phẩm, dịch vụ có liên quan tới hãng dịch vụ kia. Tôi thấy chất lượng ổn, thái độ tốt.
Thế nhưng… tôi thực sự thấy khó chấp nhận với tư duy và chiến thuật làm Content seeding như đã đề cập ở trên – không chỉ qua 1, 2 sự kiện, mà dường như nó đã nghiễm nhiên trở thành tư duy Marketing quen thuộc của họ.
Điều đó thực sự đáng tiếc, bởi vì một sản phẩm/dịch vụ tốt thì luôn cần sắc thái tích cực đi kèm.
Mà sắc thái ấy, chắc chắn không thể đến từ những Content seeding kém văn minh!
Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn ACADEMY