Rèn Content nhờ… chính trị: Tại sao không?
(Kỹ năng viết Content có thể cải thiện như thế nào?)
“Chính trị… phức tạp lắm!”
“Em nghĩ chỉ ai muốn phát triển quan lộ thì mới quan tâm chính trị thôi chứ nhỉ?”.
Đó là những lời giãi bày mà tôi nghe được từ các bạn trẻ. Nhưng…
Thực tế thì chính trị có phức tạp và “xa vời” như thế không?
Theo tôi, ngay với nghề Content, giao tiếp, quan hệ (PR), thì những nội dung liên quan chính trị giúp ích cho việc học hỏi rất nhiều!
*****
Về chủ đề chính trị và Content, tôi từng viết bài “Góc nhìn Content đối với một phát ngôn chính trị “căng thẳng””.
Trong đó, cuộc chiến Nga – Ukraine có rất nhiều điều để học hỏi (trên góc độ Content) – đặc biệt khi Ukraine có ê-kíp giỏi truyền thông, còn Nga nổi tiếng với những câu đối đáp chí mạng.
Thứ có thể học hỏi được nhiều nhất chính là chất cảm xúc trong Content. Bởi trong bối cảnh chiến tranh, mọi thứ đều vô cùng khốc liệt, dữ dội, nên chất cảm xúc phù hợp càng khó.
Cho nên khi họ làm được điều khó như vậy, chính là lúc chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều.
Tải eBook chia sẻ chuyên môn về kỹ năng viết Content Marketing, PR của Tác giả Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn
*****
Ngay buổi tối của ngày đầu tiên Nga phát động chiến dịch quân sự chống lại Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tạo ra một Content cảm xúc sâu sắc.
Đó là lúc phát biểu trực tuyến tại cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo EU, ông Zelensky nói với họ rằng: “Đây có thể là lần cuối cùng các ông nhìn thấy tôi còn sống“.
Câu nói ấy đã khiến các nhà lãnh đạo EU xúc động, và được cho là yếu tố thúc đẩy EU thực hiện việc hỗ trợ nhanh chóng và chưa từng có.
*****
Trước đó, ông Zelensky từng dùng kỹ thuật Storytelling trong diễn văn nhậm chức thu hút sự chú ý.
Đoạn dẫn dắt đó như sau:
“Sau khi tôi chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, cậu con trai 6 tuổi của tôi đã nói “Bố à, trên TV bảo rằng Zelensky trở thành Tổng thống… Vậy, có nghĩa con cũng là Tổng thống ư?”. Lúc bấy giờ, tôi nghĩ câu nói của con thật hài hước, nhưng sau đó, tôi nhận ra đấy quả thực là chân lý. Bởi mỗi chúng ta đều là một Tổng thống…”.
Cách dẫn dắt Storytelling này rất tự nhiên, gần gũi, và tạo ra sự thuyết phục bằng lối diễn đạt đầy sự đồng cảm, “mỗi chúng ta đều là một Tổng thống”.
Trong diễn văn đó, ông Zelensky còn kết lại bằng đoạn chốt đắt giá:
“Suốt cuộc đời mình, tôi đã luôn cố gắng để giúp mọi người cười. Đó là sứ mệnh của tôi. Giờ đây, tôi sẽ làm mọi thứ để người dân Ukraine ít nhất không phải rơi nước mắt thêm nữa”.
Tổng thống Ukraine từng là diễn viên hài – nên ông đã khai thác vai trò đó một cách logic và tự tin vào phần chốt này.
Đáng nói hơn, một số người đã cố tình dùng công việc diễn viên hài đó để mỉa mai tư cách/phẩm chất chính trị của ông Zelensky. Nhưng đáp lại, ông luôn biết cách nói về công việc của mình đúng hoàn cảnh và gần gũi, cảm xúc (để được điểm cộng) như thế này.
Từng là người “luôn cố gắng để giúp mọi người cười”, giờ, ông ấy “làm mọi thứ để người dân Ukraine ít nhất không phải rơi nước mắt thêm nữa”. Quả là một câu chốt quá đắt giá và chất lượng!
*****
Ở bên kia chiến tuyến, Nga cũng tỏ ra không hề kém cạnh, khi họ thường xuyên có những Content đối đáp “chí mạng”.
Chẳng hạn, khi nói về khả năng đàm phán hòa bình cho Nga – Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng nói một cách văn hoa rằng: “Để đàm phán diễn ra, cũng giống như 2 người cùng nhảy điệu tango. Nhưng tới nay, tôi chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy ông Putin quan tâm tới việc giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao”.
Lập tức, trong sự kiện phát biểu sau đó, Tổng thống Nga V. Putin đã đáp trả:
“Đối với người Mỹ, họ không biết cách nhảy điệu tango. Âm nhạc rất bắt tai và các bước nhảy thật đẹp mắt, nhưng Mỹ lại tìm cách giải quyết mọi thứ bằng quyền lực”.
Ông Putin còn “cảnh báo Kiev có nguy cơ quên đi điệu hopak – điệu nhảy truyền thống của người Ukraine, và cuối cùng, mọi người sẽ phải học một điệu nhảy của Nga”.
Chúng ta thấy gì qua cách đối đáp đó?
Ông chủ Điện Kremlin đã dựa vào chính thông tin “2 người cùng nhảy điệu tango” của đối thủ để làm cơ sở dẫn dắt một cách mỉa mai và đầy hàm ý!
*****
Dù sử dụng kỹ thuật Storytelling, hay mỉa mai, so sánh, điểm chung của những tình huống ở trên là các chính trị gia luôn biết cách tạo ra thứ cảm xúc rất thật, rất đắt và sâu sắc, từ đó có tính thuyết phục cao.
Rõ ràng, những Content chính trị đó giúp ích cho việc cải thiện, phát triển tư duy nội dung, kỹ năng giao tiếp, đối ngoại. Đó đều là những kỹ năng cần thiết đối với người làm Content.
Cần lưu ý rằng, trong khóa đào tạo Kỹ năng Viết chuyên nghiệp Content Marketing, PR, tôi luôn nhấn mạnh với học viên là: Có 2 chủ đề cần tránh khai thác khi làm Content cho doanh nghiệp. Đó là “chính trị” và “tôn giáo”.
Tuy nhiên, “tránh khai thác” thì khác với việc “học hỏi”, “rèn luyện Content”.
Bởi thế, các Content Writer hoàn toàn có thể học hỏi lối diễn đạt cảm xúc, gần gũi, chân thành và giàu tính thuyết phục từ các chính trị gia – những bậc thầy lão luyện về Content.
Rèn luyện Content nhờ chính trị ư? Nên lắm chứ!
Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn ACADEMY & AGENCY
Một bình luận