Review “có một không hai” gửi thầy Hiếu
Lời tựa của tôi – Nguyễn Trung Hiếu (Blog Viết chuyên nghiệp): Sau khi kết thúc khóa “Học viết blog cùng Vietchuyennghiep.vn – K02”, tôi đã nhận được nhiều nội dung phản hồi, đánh giá quý báu từ các học viên.
Trong đó, có một học viên đã viết thành bài chia sẻ chuyên môn rất chi tiết, thú vị và có ích với cộng đồng.
Bởi vậy, tôi đã quyết định đăng riêng bài viết đó, hy vọng mọi người sẽ nhận được giá trị từ nội dung hữu ích này.
“Điều tuyệt vời mà tôi có trong mùa dịch: Cơ hội nâng cao kiến thức!
Covid-19 đẩy xu hướng dạy và học online ở Việt Nam đi nhanh hơn dự kiến. Là người làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tôi nhận thấy rất rõ điều này.
Trong đợt giãn cách đầu tiên, khi chuyển các khóa học từ offline sang online, chúng tôi vấp phải sự phản ứng trái chiều của học viên. Người ủng hộ thì ít, người phản đối thì nhiều mặc cho chúng tôi chia sẻ những lợi ích của việc học online, mặc cho chúng tôi cam kết rằng, sau này, nếu khóa đó tổ chức học offline, họ vẫn được học lại miễn phí.
Nhưng vẫn nhiều học viên từ chối học online, xin bảo lưu để ĐỢI có khóa học offline thì học.
Trước mỗi sự thay đổi, việc “chống đối”, “kháng cự” là phản ứng bình thường của não bộ loài người. Là một người yêu thích và hay đọc sách về tâm lý học, tôi thấu hiểu điều này.
Nhưng Darwin đã nói rồi: Kẻ sống sót sau cùng không phải là kẻ mạnh, thông minh hay tài giỏi mà là kẻ THÍCH NGHI tốt nhất!
Hoàn cảnh thay đổi rồi, chúng ta phải thích nghi thôi, dù bạn muốn hay không.
Tôi đồng ý rằng, không phải môn học, ngành học nào cũng phù hợp với việc giảng dạy online, nhưng với lĩnh vực dịch vụ mà chúng tôi đang cung cấp thì hoàn toàn phù hợp. Bằng chứng là sau một thời gian hơn 1 năm chuyển đổi, hiện nay, các khóa học online đang được học viên của chúng tôi quan tâm nhiều nhất.
Có thể việc dạy và học online ở Việt Nam là đang là chín ép (khi cấu trúc chương trình, cơ sở hạ tầng, nhân lực chưa đủ để đáp ứng) nhưng không thể phủ nhận rằng nó là cứu cánh cho chúng ta trong những ngày đại dịch. Cũng nhờ đó mà các talk show, hội thảo, webinar, khóa học miễn phí … lần lượt ra đời – những thứ mà trước đây muốn tham gia, tôi phải kỳ cạch lái xe, vượt qua dòng người chen chúc, từ bỏ cả bữa tối với gia đình để đến địa điểm tổ chức.
Nghĩ thôi đã thấy nản rồi. Online giúp chúng ta loại bỏ những khoảng cách địa lý, linh hoạt và tiết kiệm thời gian, đảm bảo về sức khỏe cùng nhiều ích lợi khác….
Trong số gần 20 khóa học trong mùa dịch, tôi ấn tượng nhất với khóa học HỌC VIẾT BLOG CÙNG VIETCHUYENNGHIEP.VN của thầy NGUYỄN TRUNG HIẾU…
Bạn kỳ vọng gì ở một khóa học miễn phí? Một lượng kiến thức cơ bản dành cho những người mới bắt đầu? Những thông tin quảng cáo về khóa học thu phí nằm ở cuối mỗi chương trình và các thủ thuật chốt sale?
Khóa học của thầy Hiếu cũng vậy đấy, có khác chăng là thầy rất tiết chế trong việc “quảng cáo” và chẳng có thủ thuật chốt sale nào cả. Nhưng học xong rồi, tôi thấy không đặt bút viết review cho người dạy thì quả là một điều có lỗi. Có lỗi với giảng viên và có lỗi với những người chưa tham gia khóa học. Đây cũng là lần đầu tiên tôi dành thời gian review cho một khóa học.
Điều đầu tiên phải khẳng định, khóa học là MIỄN PHÍ nhưng mang lại GIÁ TRỊ THỰC cho người học, đúng như chia sẻ của thầy và đội ngũ ngay từ đầu.
Tôi đã đọc khá nhiều tài liệu về viết blog, xem các video trên Youtube hay cả các khóa học miễn phí được quay dựng sẵn. Có thể những kiến thức từ các khóa học trên đã giúp tôi dễ dàng lĩnh hội các kiến thức mà thầy Hiếu chia sẻ.
Nhưng tôi biết ơn thầy vô cùng, vì thầy đã giúp tôi hệ thống lại chúng một cách logic và khoa học, giúp tôi nhìn thấy một bức tranh tổng quát mà khi nhìn vào đó, tôi biết mình nên bắt đầu từ đâu, phần nào là phần quan trọng nhất, đáng được đầu tư nhất.
Tôi cũng rất ấn tượng với kinh nghiệm giảng dạy của thầy Hiếu. Ngắn gọn, cô đọng, súc tích, dễ hiểu, tính ứng dụng cao. Thầy biết đối với những người mới thì cái gì nên biết và cái gì chưa nên biết, đề từ đó tiết chế trong nội dung chia sẻ.
Có thể có người nghĩ rằng, thầy “ém” kiến thức, chỉ khi nào bạn trả tiền cho các khóa học thu phí, bạn mới được học. Tôi thì không nghĩ như vậy. Trong thời lượng 4 giờ (2 buổi của khóa), trong một lớp học miễn phí với hàng trăm con người tham gia, tôi nghĩ những gì thầy chia sẻ là TRỌN VẸN.
Là một người đã từng đứng trên bục giảng, tôi hiểu rằng phải là một người có kinh nghiệm mới có thể chọn lọc kiến thức để chia sẻ đúng đối tượng học sinh. Điều quan trọng hơn nữa là lượng kiến thức cơ bản được cung cấp ấy giống như một chiếc chìa khóa giúp họ mở những cánh cửa đúng tiếp theo.
Tôi đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình chỉ vì muốn khẳng định bản thân mà sa đà vào việc “khoe” kiến thức, dẫn đến lan man, dông dài, làm cho học trò vừa bị thiếu đi kiến thức cơ bản, vừa lờ mờ với những kiến thức “cao siêu”.
Một người thầy giàu kinh nghiệm là một người biết thế nào là ĐỦ cho người học.
Thêm một điều tôi đánh giá cao từ thầy Hiếu là “nguyên tắc” và “đúng giờ”.
Thầy không để mọi người chờ mình và cũng chẳng để cho mọi người chờ nhau. Nói là làm, ai vào muộn quá 10 phút, vui lòng đứng ngoài.
Tôi không phải là một người kỷ luật (mặc dù tôi đã từng là quân nhân) nhưng tôi hiểu rằng, có những thứ tối thiểu mà bạn cần phải tuân thủ – một trong số đó là đúng giờ & thực hiện đúng nguyên tắc bạn đã đề ra.
Các bạn nào lỡ giờ học của thầy mà phải đứng ngoài lớp, mong các bạn hiểu rằng, mỗi người có một nguyên tắc riêng, mỗi sân chơi sẽ có luật lệ riêng. Bạn muốn chơi, bạn phải tuân thủ.
Ngày trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi không lười học nhưng tôi không hứng thú với việc học. Tôi đã từng nghĩ những kẻ “đam mê học hành” chắc là của hiếm và “dở hơi”.
Giờ đây, sau từng ấy năm đi làm, tôi nhận thấy được học những gì mình thích & được gặp những người thầy kinh nghiệm, tận tâm và nhiệt tình thì tuyệt vời đến nhường nào. Họ không chỉ mang lại kiến thức mà còn mang đến cho tôi nguồn cảm hứng, khích lệ tôi theo đuổi những gì mình đang quan tâm.
Tôi đã có những trải nghiệm quý báu với giảng viên Nguyễn Trung Hiếu trong khóa học HỌC VIẾT BLOG CÙNG VIETCHUYENNGHIEP.VN.
Tác giả: Thanh Bùi – CEO of Montessori Institute of Vietnam”.